Nghệ An tham gia hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế do Thủ tướng Chính phủ chủ trì
Đồng chủ trì hội nghị có đồng chí Bùi Thanh Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, đồng chí Bùi Đình Long - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Dự cuộc làm việc có đồng chí Trần Khánh Thục - Giám đốc Sở Ngoại vụ và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Sôi động, hiệu quả các hoạt động ngoại giao kinh tế
Cuộc làm việc nhằm tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và triển khai trọng tâm công tác năm 2025 nhằm tạo đà bứt phá cho tăng trưởng.
Triển khai Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Nghệ An đã triển khai hiệu quả Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh để triển khai Chỉ thị số 15 và Nghị quyết số 21.
Năm 2024, tỉnh tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống và mở rộng hợp tác với các đối tác nước ngoài để thúc đẩy thu hút đầu tư, đẩy mạnh hợp tác kinh doanh giữa hai bên.
Nổi bật là Nghệ An tổ chức thành công các đoàn của lãnh đạo tỉnh tại Trung Quốc, Úc, Anh, Đức, Hà Lan, Liên bang Nga, Pháp, Ý, Philippines và tháp tùng Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Pê-ru, Chi-lê, Đan Mạch, Phần Lan.
Trọng tâm các chuyến làm việc là những hoạt động về hợp tác kinh tế như làm việc với các Hiệp hội doanh nghiệp nước sở tại, các tập đoàn và doanh nghiệp lớn; tổ chức thành công hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại các nước.
Nghệ An tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, trong đó có các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế với trọng tâm là các đối tác đến từ các nước lớn, có nền kinh tế phát triển, các nước đối tác quan trọng của Việt Nam; bám sát các diễn biến, xu thế chung của tình hình kinh tế thế giới và khu vực.
Tỉnh đã tổ chức đón tiếp và làm việc với các nhà đầu tư, thu được nhiều kết quả cụ thể và thiết thực. Về tổng thể, các hoạt động ngoại giao kinh tế đã góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nổi bật là dự kiến năm nay sẽ thu hút được 1,696 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm thứ 2 liên tiếp Nghệ An thu hút FDI vượt mốc 1 tỷ USD.
Năm nay, tỉnh có 1 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết Hiệp định vay với nhà tài trợ với tổng mức đầu tư 4.502 tỷ đồng (Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh); tiếp nhận 1 dự án sử dụng vốn ODA không hoàn lại với tổng số vốn viện trợ là 6,586 tỷ đồng (tiếp nhận máy theo dõi bệnh nhân và Bơm tiêm điện cho Sở Y tế Nghệ An).
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh năm nay lần đầu tiên vượt mốc 3 tỷ USD, ước đạt 3,207 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2,226 tỷ USD.
Hiện tại có khoảng hơn 100.000 người Nghệ An đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài. Kiều hối trung bình hàng năm khoảng 500 triệu USD.
Làm mới các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá công tác ngoại giao kinh tế ngày càng thực chất hiệu quả hơn, bài bản hơn, cân đong đo đếm được nhiều hơn; thể hiện qua “3 rõ”: Rõ kết quả, rõ sản phẩm, rõ đóng góp vào phát triển đất nước; qua đó, người đứng đầu Chính phủ biểu dương các nỗ lực, đặc biệt là của các chủ thế có liên quan.
Dẫu vậy, theo Thủ tướng Chính phủ không được chủ quan vì còn nhiều vấn đề phải làm. Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ một số tồn tại hạn chế cần khắc phục, đồng thời nhấn mạnh những bài học kinh nghiệm để công tác ngoại giao kinh tế đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự phát triển của đất nước.
Năm 2025 có rất nhiều công việc phải thực hiện như: Rà soát lại các kế hoạch, mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm kỳ; tích cực sắp xếp tổ chức, bộ máy đồng bộ cả bộ máy Đảng và các cấp chính quyền hành chính; chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng và tổ chức các ngày lễ lớn của Đảng, đất nước. Quyết tâm tăng trưởng từ 8% trở lên để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để bước vào nhiệm kỳ mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần thúc đẩy ký kết được các khung khổ pháp lý với các đối tác để mở rộng thị trường; đánh giá tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của nước ta với các đối tác để đề xuất các giải pháp hợp tác phù hợp, hiệu quả nhất; đa dạng hóa các loại visa theo hướng linh hoạt với đối tượng cụ thể; kết nối doanh nghiệp nước ta với doanh nghiệp nước sở tại.
Nhấn mạnh ngoại giao kinh tế là động lực mới quan trọng, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hoạt động này phải góp phần để làm mới các động lực tăng trưởng cũ như: xuất khẩu, đầu tư trong nước, ngoài nước; đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp; tiêu dùng trong nước; đồng thời thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế số.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu cần quan tâm tập trung xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư, thương mại thực chất hơn, hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh, bền vững; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; công nghệ, phát triển không gian kinh tế biển…
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ cụ thể đối với các Đại sứ, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nhất là tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Trung Đông..., cũng như đối với các doanh nghiệp.
Theo: báo Nghệ An