Chiều 24/11 (giờ địa phương), nhân chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Đan Mạch, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cùng đoàn công tác đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại thủ đô Copenhagen.
Đại sứ Việt Nam tại Đan Mạch Lê Thanh Nghị cho biết, hiện có hơn 16.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Đan Mạch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội, tuân thủ pháp luật nước sở tại. Bên cạnh đó, bà con luôn đoàn kết, hướng về quê hương đất nước, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, nhất là trong các dịp lễ, tết cổ truyền của dân tộc, đóng góp vào văn hóa, ẩm thực của Đan Mạch. Phong trào dạy và học tiếng Việt cho trẻ em phát triển rất mạnh mẽ trong cộng đồng.
Đáng chú ý, Hội Chuyên gia, trí thức Việt Nam tại Đan Mạch được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết và kết nối các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học Việt Nam cũng như sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt đang công tác và học tập tại các viện, cơ quan nghiên cứu, các trường đại học của Đan Mạch, giúp các chuyên gia, trí thức hỗ trợ lẫn nhau trong nghiên cứu, công việc và cuộc sống, phát huy khả năng, trí tuệ của từng cá nhân cũng như của tập thể chuyên gia, trí thức người Việt tại Đan Mạch, góp phần xây dựng quê hương, đất nước, đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các hoạt động của Hội còn hướng tới việc tăng cường hợp tác về khoa học-công nghệ giữa Việt Nam và Đan Mạch, góp phần củng cố và thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam tại Đan Mạch.
TS. Nguyễn Thanh Tâm, đang làm việc tại Đại học Copenhagen, cho rằng thông điệp hợp tác của cả hai chính phủ Việt Nam, Đan Mạch rất mạnh mẽ, tuy nhiên, cần làm thế nào để các doanh nghiệp, nhà khoa học, trí thức của hai nước kết nối nhiều hơn, có nhiều dự án hợp tác, đầu tư hiệu quả hơn, bằng "niềm tin, những nét tương đồng văn hóa và cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính công khai, minh bạch, thông thoáng, nhanh chóng".
TS. Nguyễn Thanh Tâm kiến nghị thành lập các tổ nghiên cứu chung về hai nước với sự tham gia của các nhà khoa học, trí thức Việt kiều để doanh nghiệp Đan Mạch đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn, và doanh nghiệp Việt Nam mở rộng được thị trường tại Đan Mạch và các nước Bắc Âu.
Chị Nguyễn Bích Hồng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Chuyên gia trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch, mong muốn được tham gia vào các dự án, nhiệm vụ cụ thể trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững; các kênh giao lưu chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm với các bộ, ngành, nhất là trong xây dựng cơ chế, chính sách.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch vào mối quan hệ giữa hai nước; luôn một lòng hướng về quê hương, đất nước. "Bà con kiều bào là cầu nối quan trọng, đóng góp thiết thực vào sự phát triển hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian qua".
Trong hơn 50 năm qua, Việt Nam và Đan Mạch luôn có mối quan hệ hữu nghị, tình cảm rất tốt đẹp, đáng trân trọng. Đan Mạch tích cực ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.
Đan Mạch dành cho Việt Nam nguồn viện trợ phát triển quan trọng, cùng với những dự án hợp tác, hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực, tầm nhìn xây dựng chiến lược, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh…
Đến nay, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập sâu rộng, có vai trò, vị thế quốc tế ngày càng lớn trong khu vực, thế giới, cũng như các tổ chức, diễn dàn, cơ chế hợp tác đa phương. "Tất cả các hội nghị, diễn đàn đa phương lớn như G7, G20, BRICS… đều đánh giá cao vai trò, vị thế của Việt Nam như một quốc gia có tiềm năng, sức mạnh, niềm tin", Phó Thủ tướng nói.
Trong bối cảnh, tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, khó lường, dịch chuyển chuỗi cung ứng, ảnh hưởng hậu COVID, xuất hiện các cuộc xung đột…, Việt Nam vẫn được coi là điển hình, điểm sáng phát triển kinh tế.
Việt Nam là một trong những nước có kim nghạch xuất khẩu lớn trên thế giới; luôn có môi trường đầu tư kinh doanh ổn định, hấp dẫn, cởi mở, ngày càng hoàn thiện, hài hòa hóa với các thỏa thuận quốc tế, pháp luật của các nước; thu hút FDI tăng trưởng theo từng năm, nhiều tập đoàn lớn của Đan Mạch đều có mặt tại Việt Nam…
Bên cạnh đó, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về kinh tế biển, điện gió, điện mặt trời…, nếu khai thác, phát huy được thì sẽ "đi sau nhưng có thể sẽ đi cùng, vượt lên trước".
Phó Thủ tướng mong muốn, bà con kiều bào, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học, trí thức tích cực, chủ động tham gia cùng chính phủ, địa phương, doanh nghiệp xác định những lĩnh vực mà Việt Nam, Đan Mạch có tiềm năng, nhu cầu, thế mạnh, tạo lập mối quan hệ đối tác ở cấp độ tương ứng.
Thông tin với bà con về một số nét chính về tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng, Phó Thủ tướng cho biết, năm 2025 sẽ là năm khởi đầu để đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc "có sự đổi mới, tư duy khác biệt, giải pháp mang tính cách mạng", nhằm đạt được những mục tiêu phát triển quan trọng, trong đó có 2 mục tiêu 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập nước.
Trước hết, Đảng, Nhà nước coi thể chế là đột phá của đột phá. Công tác xây dựng thể chế không chỉ sửa chữa, khắc phục những bất cập, tồn tại, yếu kém của hệ thống pháp luật hiện hành, mà cần đổi mới về tư duy xây dựng, kiến tạo, khởi tạo những mô hình phát triển như Đan Mạch, có cơ chế, chính sách cho kinh tế xanh, năng lượng xanh, chuyển đổi số, tài nguyên tri thức, tài nguyên tái tạo thay cho tài nguyên truyền thống…
Đồng thời tạo không gian sáng tạo phát triển cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các bên liên quan; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực của người dân trong nước, kiều bào.
Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tiến hành cải cách bộ máy, tổ chức hành chính từ Trung ương đến địa phương, hoàn thiện, đồng bộ về công tác cán bộ, "tinh, gọn, hiệu quả", giảm chi thường xuyên, tăng đầu tư cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, năng lượng, chuyển đổi số…
Theo Phó Thủ tướng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, cơ chế, chính sách thể hiện sự quan tâm người Việt Nam ở nước ngoài như: Mở rộng quyền lợi của kiều bào trong pháp luật về đất đai, nhà ở,…; thu hút doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào vào các lĩnh vực công nghệ lõi, công nghệ vi mạch bán dẫn, năng lượng tái tạo, điện hạt nhân… ; coi việc huy động nhân tài, đào tạo nhân lực chất lượng cao thích ứng trong thế giới thay đổi là nguồn tài nguyên phát triển mới.