image banner
Kết nối thị trường tài chính toàn cầu, nâng cao danh tiếng của Việt Nam

Một Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh giúp Việt Nam tăng cường kết nối với thị trường tài chính toàn cầu, thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực mới.

TP. Hồ Chí Minh có đủ tiềm năng và quyết tâm để trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. (Ảnh: Văn Trung)

Sau 20 năm “thai nghén”, cuối năm 2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh. Nghị quyết số 259/NQ-CP phê duyệt Kế hoạch hành động triển khai xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam cũng đã được Chính phủ công bố vào ngày cuối cùng của năm 2024 (31/12).

Theo đó, Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh sẽ đưa Việt Nam thành điểm đến tài chính quan trọng trên thế giới. Trung tâm sẽ được thành lập, vận hành ngay trong năm 2025.

Năm yếu tố, điều kiện cần thiết

Đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Hội nghị công bố Nghị quyết trên rằng: “Trả lời cho câu hỏi Việt Nam đủ điều kiện để thành lập Trung tâm tài chính quốc tế chưa? Tôi khẳng định là đủ”. Theo người đứng đầu Chính phủ, Việt Nam sở hữu năm yếu tố, điều kiện cần thiết để phát triển thị trường tài chính hiện đại, hướng đến hình thành Trung tâm tài chính quốc tế.

Thứ nhất, những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 của Việt Nam khoảng 470 tỷ USD, quy mô nền kinh tế xếp hạng 33 - 34 thế giới. Bình quân GDP đầu người khoảng 4.600 - 4.700 USD.

Thứ hai, các đột phá chiến lược của đất nước đang đạt được những thành quả rất tích cực theo hướng thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Thứ ba, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu năm 2024 đạt gần 7,2 triệu tỷ đồng, tăng 21,2% so với cuối năm 2023.

Thứ tư, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, độ mở lớn, đã ký kết 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với trên 65 nền kinh tế hàng đầu thế giới. Quy mô xuất nhập khẩu khoảng 800 tỷ USD, gấp khoảng 1,7 lần GDP.

Thứ năm, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, cuộc sống thanh bình, có môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển. Đất nước cũng có vị trí chiến lược, vị trí địa chính trị quan trọng, nằm ở khu vực phát triển năng động, sáng tạo hàng đầu thế giới, có múi giờ khác biệt với 21 Trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu.

Với những điều kiện thuận lợi như Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu, trao đổi với phóng viên Báo Thế giới và Việt Nam, GS.TS. Andreas Stoffers tại Đại học Khoa học ứng dụng kinh tế và quản lý (FOM) cho rằng, việc có một Trung tâm tài chính quốc tế riêng sẽ giúp Việt Nam tăng cường kết nối với thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo ra nguồn lực mới. Đồng thời, đất nước sẽ tận dụng được các cơ hội từ sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư quốc tế để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội.

Chưa dừng ở đó, theo GS.TS. Andreas Stoffers Việt Nam được hưởng nhiều lợi ích rõ rệt, cụ thể như:

Một là, chuyên nghiệp hóa hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong quá trình dài chuẩn bị cho việc hình thành một Trung tâm tài chính quốc tế, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn sẽ phải đứng trước áp lực cải cách rất lớn. Các hoạt động này đòi hỏi nỗ lực phối hợp nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, giải quyết tỷ lệ nợ xấu hiện vẫn còn nghiêm trọng, làm trong sạch thị trường, chuyên nghiệp hóa thị trường vốn cổ phần và trái phiếu cũng như giới thiệu một hệ thống xếp hạng đáng tin cậy. Điều này sẽ làm tăng mạnh khả năng cạnh tranh của các ngân hàng Việt Nam.

Hai là, việc hình thành Trung tâm tài chính quốc tế ở Việt Nam sẽ có tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực và các ngành khác nhau.

Ba là, nâng cao danh tiếng cho Việt Nam. Đất nước hình chữ S đã chứng tỏ là một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sự hiện diện của một Trung tâm tài chính quốc tế sẽ tiếp tục giúp Việt Nam thu hút nhà đầu tư, củng cố một thông điệp rõ ràng về môi trường kinh doanh hấp dẫn của đất nước.

Đủ tiềm năng và quyết tâm

Ở góc độ địa phương, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh khẳng định, “đầu tàu” kinh tế cả nước có đủ tiềm năng và quyết tâm để trở thành Trung tâm tài chính quốc tế. Việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là mục tiêu của riêng thành phố mà còn là một sứ mệnh quốc gia, được giao phó để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước.

TP. Hồ Chí Minh có nhiều điểm tương đồng với Thượng Hải (Trung Quốc) - một Trung tâm tài chính quốc tế thành công - khi ở hữu vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ logistics và được giao nhiệm vụ tiên phong. Nhu cầu vốn lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng như sân bay Long Thành, các tuyến metro, vành đai 4, đường sắt cao tốc Bắc - Nam... cũng đặt ra tầm quan trọng của Trung tâm tài chính TP. Hồ Chí Minh trong huy động vốn.

“Đây là thời điểm thích hợp để TP. Hồ Chí Minh phát triển Trung tâm tài chính quốc tế. Sự thúc đẩy từ lãnh đạo trung ương và lãnh đạo thành phố cho thấy sự quyết tâm và đồng lòng trong việc thực hiện mục tiêu này”, ông Huy Vũ nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên tiết lộ, thành phố đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua nhiều đề án, nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm từ các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới. Hiện tại, thành phố đang hoàn chỉnh hồ sơ về Trung tâm tài chính quốc tế để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội trong phiên họp tháng 5/2025.

“Khó mấy cũng phải làm”

Như vậy, lợi ích và quyết tâm đã có, để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một Trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh, GS.TS. Andreas Stoffers nhận thấy, không có cách nào khác là chuyển đổi kỹ thuật số. Điều này không chỉ liên quan đến lĩnh vực tài chính xanh, chuyển đổi xanh mà còn liên quan đến những điều thiết yếu như sự ra đời của đồng tiền kỹ thuật số do Ngân hàng Trung ương phát hành. Mô hình này vốn đã rất phát triển ở nước láng giềng Trung Quốc và Việt Nam không thể bỏ qua.

Song song với đó, GS.TS. Andreas Stoffers khuyến nghị, Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh cần chú trọng năm vấn đề: Tăng cường các hoạt động nhằm tạo ra một Trung tâm tài chính quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh bằng cách cung cấp nguồn tài chính dồi dào và quyền ra quyết định; thiết lập các quy định quốc gia về phân loại xanh phù hợp với các tiêu chuẩn ngành hiện có và thông lệ toàn cầu; xây dựng chính sách thúc đẩy thị trường carbon và đẩy nhanh việc triển khai chính thức nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam; xây dựng, thực hiện các tiêu chí môi trường trong cấp tín dụng xanh; duy trì cam kết của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng xanh trong ngành ngân hàng.

“Việt Nam phải tiến thêm bước nữa trong lĩnh vực tài chính xanh và công nghệ xanh. Trong bối cảnh này, việc áp dụng môi trường, xã hội, quản trị (ESG) là rất quan trọng để các ngân hàng Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế cho doanh nghiệp. Ngoài ra, đất nước phải có nỗ lực, quyết tâm cao trong quá trình chuẩn bị các điều kiện nền tảng cho việc xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế với lộ trình phù hợp”, GS.TS. Andreas Stoffers bày tỏ.

Hành trình của Trung tâm tài chính quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh vẫn còn những khó khăn, thử thách ở phía trước. Thế nhưng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo rằng: “Khó mấy cũng phải làm”. Nghị quyết số 259/NQ-CP là minh chứng cho khát vọng và quyết tâm của Việt Nam để tạo ra những bước đột phá để từ đó, xây dựng thành công một Trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố mang tên Bác.

Theo: báo quốc tế  

Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1