image banner
Yếu tố tác động tới chính sách đối ngoại mới của Thái Lan
Các chuyên gia đã đưa ra một số yếu tố quan trọng, có thể tác động tới chính sách đối ngoại của Thái Lan dưới thời Thủ tướng Srettha Thavisin. 
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. (Nguồn: Nikkei)
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. (Nguồn: Nikkei)

Đầu tiên, đó là sự cân bằng kinh tế và quốc phòng. Giáo sư Ukrist Pathmanand thuộc Viện Nghiên cứu châu Á của Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho rằng, Bangkok dự kiến theo đuổi chính sách đối ngoại tập trung vào việc mang lại lợi ích kinh tế, với phong cách ngoại giao chủ động nhằm bảo đảm tiếp cận nhiều thị trường hơn trên toàn cầu. Đồng thời, chính phủ có thể định vị lại lập trường của Thái Lan để đối phó tốt hơn với các xung đột và cạnh tranh địa chính trị.

Tuy vậy, theo giáo sư Ukrist, nội các mới đang thiếu vắng bộ trưởng hay cấp phó am hiểu về tình hình an ninh quốc tế. Bản thân Thủ tướng Srettha và Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Kukara có nền tảng vững chắc về kinh tế, song không phải vấn đề an ninh. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Sutin Klangsang, với xuất thân là giáo viên, không có nhiều kinh nghiệm về các vấn đề an ninh và quân sự.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Srettha đã chọn Tướng Songwit Noonpakdi, Tư lệnh tối cao mới bổ nhiệm của Lực lượng vũ trang, tham gia chuyến đi đầu tiên tới Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) ở New York giữa tháng Chín. Đây sẽ là dịp để Thủ tướng, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Thái Lan và Ngoại trưởng gặp gỡ nhiều lãnh đạo nước ngoài tại diễn đàn quốc tế lớn nhất thế giới.

Thứ hai, cả ba chính trị gia hàng đầu đều học tại Mỹ. Thủ tướng Srettha tốt nghiệp cử nhân kinh tế tại Đại học Massachusetts và bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Claremont Graduate ở Mỹ. Tư lệnh Songwit tốt nghiệp Học viện Quân sự Virginia, trong khi Ngoại trưởng Parnpree có bằng Thạc sĩ và Tiến sĩ về hành chính công tại Đại học South California và Đại học Claremont Graduate.

Khi đó, chuyến đi nước ngoài đầu tiên của họ có thể gửi tín hiệu về sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ. Ông Ukrist nói: “Định hướng của chính phủ mới về đối ngoại có phần trái ngược với chính phủ trước đó, vốn nghiêng về phía Trung Quốc hơn”.

Thứ ba, đó là câu chuyện về cạnh tranh nước lớn. Chính phủ mới cần có giải pháp giải quyết bế tắc giữa Hải quân Hoàng gia Thái Lan với Trung Quốc về động cơ tàu ngầm. Hợp đồng ban đầu đề cập động cơ của Đức. Tuy nhiên, do không mua được động cơ Đức, Thái Lan buộc phải đưa ra chọn động cơ do Trung Quốc sản xuất. Chính phủ mới cũng được yêu cầu tiếp tục thuyết phục Mỹ bán máy bay chiến đấu F-35 hiện đại nhất của mình cho Không quân Thái Lan.

Câu chuyện về Ukraine cũng là bài toán phức tạp đối với Thái Lan. Trước đó, chính quyền của ông Prayut Chan-o-cha đã đối mặt với sức ép từ phương Tây về lập trường trong vấn đề này.

Trong bối cảnh đó, ông Dulyapak Preecharush, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á, Đại học Thammasat (Thái Lan đã đề nghị chính phủ mới tăng cường quan hệ với Mỹ trong khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bên cạnh hợp tác kinh tế với Trung Quốc: “Tất nhiên, Thái Lan có thể duy trì mức độ hợp tác quân sự nhất định với Trung Quốc. Trong khi đó, chính phủ do Đảng Pheu Thai lãnh đạo có cơ hội tốt để tăng cường quan hệ với Mỹ”. Thái Lan duy trì hợp tác với Nga, song không chủ động xích lại gần hơn trong quan hệ này.

Một tuyên bố chính sách bị rò rỉ tiết lộ rằng, tranh chấp giữa các siêu cường về kinh tế, an ninh sẽ tiếp tục là là thách thức lớn đối với Thái Lan trong khẳng định vị thế, bảo vệ lợi ích quốc gia, thúc đẩy hòa bình và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Cuối cùng, đó là câu chuyện về Myanmar. Viết trên Facebook, Nghị sĩ đối lập Kannavee Suebsang từ Đảng Công bằng (Fair Party) kêu gọi chính phủ mới sử dụng cách tiếp cận mềm mỏng trong các vấn đề đối ngoại, chú trọng hơn đến các khía cạnh nhân quyền và nhân đạo, thay vì chỉ tập trung vào kinh tế và an ninh.

Trong khi đó, ông Dulyapak cho rằng, chính phủ mới nên có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong khủng hoảng ở Myanmar. Nhà phân tích này nhận định Thái Lan không thể im lặng về tình hình ở nước láng giềng, song cũng không thể có lập trường quá cứng rắn với chính phủ quân sự Myanmar.

Do đó, song song với bảo đảm an ninh biên giới, Bangkok cần ủng hộ tiến trình hòa bình, trong đó có Đồng thuận năm điểm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Theo ông Dulyapak, Thái Lan có thể khởi động một quá trình đối thoại bắt đầu từ những vấn đề không nhạy cảm hướng tới kết nối các bên liên quan đến khủng hoảng Myanmar trước, qua đó góp phần giải quyết vấn đề phức tạp này và củng cố vị thế của Thái Lan.

Nguồn: baoquocte.vn

Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1