Trung Quốc vẫn không ngừng trỗi dậy, liệu phong trào MAGA có đủ sức 'cản đường' Bắc Kinh?
Giáo sư John Keane - khoa Chính trị tại Đại học Sydney (Australia) nhận định trong bài viết trên SCMP, với việc Mỹ tiếp tục dựng lên những bức tường bảo hộ, thế kỷ XXI đang dần thuộc về môt Trung Quốc mạnh mẽ và năng động.
Trong bài bình luận hai phần chuẩn bị cho Diễn đàn Bác Ngao (diễn ra từ ngày 25-28/3), Giáo sư John Keane phân tích những biến động toàn cầu sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử.
Đối mặt thách thức suy yếu
Ông nhận định phong trào MAGA (Make America Great Again – Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại) không khôi phục vị thế thống trị của Mỹ mà phản ánh dấu hiệu của sự suy yếu. Hiện nay, Mỹ phải đối mặt với Trung Quốc – đối thủ lớn nhất kể từ cuối thế kỷ XVIII – trên mọi mặt trận: kinh tế, ngoại giao và địa chính trị.
Dẫn câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc “Khi gió lạ thổi qua, một số người xây tường, trong khi những người khác xây cối xay gió”, Giáo sư Keane nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của câu nói trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Ông nhận định, dù có chung lo ngại về sự suy giảm vai trò toàn cầu của Mỹ, các nhà quan sát vẫn có quan điểm khác nhau về cách thức đối phó. Ngay cả những người phản đối các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc cũng thừa nhận rằng, dù có sự suy giảm, Washington vẫn duy trì vị thế cường quốc hàng đầu thế giới.
Chiến thắng trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ đã được thể hiện theo cách mà ông Donald Trump muốn - như một thắng lợi của nỗ lực khắc phục sự suy giảm vị thế của nước Mỹ. Trong bài phát biểu nhậm chức năm 2025, ông tuyên bố đây là khởi đầu của một “thời kỳ hoàng kim” mới, đưa nước Mỹ bước vào “bốn năm vĩ đại nhất trong lịch sử”, khẳng định vị thế là quốc gia “mạnh nhất, được kính trọng nhất” trên thế giới.
Theo tác giả John Keane, nếu định nghĩa “đế chế” là một thực thể khổng lồ có sức ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới nhờ tiềm lực kinh tế, ngoại giao, văn hóa và quân sự, thì Trung Quốc đang nhanh chóng đạt đến tầm vóc đó. Dựa trên những diễn biến hiện tại, ông dự báo Trung Quốc sẽ trở thành thách thức địa chính trị lớn nhất mà Mỹ từng đối mặt.
Chuyên gia John Kean dự báo Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa địa chính trị lớn nhất mà Mỹ phải đối mặt. (Nguồn: TNS)
|
Những đánh giá chưa đầy đủ
Để chứng minh, Giáo sư John Keane dẫn một số bằng chứng quan trọng.
Thứ nhất, xét theo tổng tài sản, bốn ngân hàng lớn nhất thế giới hiện nay đều thuộc Trung Quốc. Quốc gia này đã vượt qua các tổ chức tài chính như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) để trở thành chủ nợ toàn cầu lớn nhất, với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do chính Trung Quốc sáng lập.
Trung Quốc cũng đang dẫn đầu xu hướng thách thức sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Giữa năm 2023, lần đầu tiên, đồng NDT vượt USD trong các giao dịch xuyên biên giới của Trung Quốc. Với thặng dư thương mại gần 1.000 tỷ USD vào năm 2024, nước này hiện là nền kinh tế giao thương lớn nhất thế giới và nắm giữ một nửa số bằng sáng chế toàn cầu.
Thứ hai, bất chấp các biện pháp của Mỹ nhằm “tách rời” Trung Quốc – từ áp thuế, cấm vận sản phẩm, dịch vụ cho đến hạn chế thiết bị viễn thông của các tập đoàn như Huawei và ZTE – nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì sự ổn định.
Thứ ba, về thương mại, Trung Quốc đang sản xuất một phần ba hàng hóa chế tạo của thế giới, nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Liên minh châu Âu EU) và Ấn Độ về hàng hóa.
Theo: báo TGVN