image banner
Hợp tác giáo dục Việt Nam-Trung Quốc: Cầu nối trí thức, chắt chặt tình hữu nghị

Với vị trí địa lý thuận lợi và sự tương đồng về văn hóa, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) là một trong những địa phương đi đầu trong hợp tác giáo dục với Việt Nam và hứa hẹn nhiều triển vọng trong thời gian tới.

Nền tảng lịch sử vững chắc

Việt Nam và tỉnh Quảng Tây từ lâu đã có mối quan hệ hợp tác giáo dục chặt chẽ, gắn liền với những dấu mốc quan trọng trong lịch sử.

 
Anh-tin-bai
Trường Dục tài Quế Lâm. (Nguồn: CRI)

 Những năm 50, 60 của thế kỷ XX, thực hiện cam kết của Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số trường học của Việt Nam đã được chuyển sang Quảng Tây nhằm bảo đảm an toàn cho các thầy giáo và học sinh trong giai đoạn kháng chiến đang diễn ra đầy cam go và ác liệt.

Tại Quế Lâm, các trường như Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Bé, Võ Thị Sáu và Trường Dân tộc Trung ương lần lượt được thành lập, tạo thành hệ thống Trường 2/9 Việt Nam.

Nhiều thế hệ cán bộ cách mạng Việt Nam đã được đào tạo, trưởng thành từ những mái trường này, góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến, giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, đồng thời đánh dấu một giai đoạn đặc biệt trong quan hệ hữu nghị Việt-Trung.

Đặc biệt, Trường Dục Tài Quế Lâm (nằm trong khuôn viên Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây ngày nay) vào thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đã có hàng ngàn học sinh Việt Nam được cử sang đây học tập.

Lịch sử phát triển của Trường Dục Tài Quế Lâm là minh chứng rõ nét cho mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Được thành lập vào đầu những năm 1940, ngôi trường này là nơi đào tạo nhiều thế hệ cán bộ cách mạng xuất sắc phục vụ cho kháng chiến.

Đây không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức văn hóa mà còn rèn luyện bản lĩnh chính trị, giúp Việt Nam xây dựng đội ngũ nhân tài phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Sự hỗ trợ từ chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với Trường Dục Tài Quế Lâm cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và giúp đỡ chí tình giữa hai nước.

Trong suốt thời gian hoạt động, ngôi trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt từ phía Trung Quốc, từ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên đến điều kiện sinh hoạt cho học viên Việt Nam. Những thế hệ học sinh được đào tạo tại đây sau này trở thành những nhà lãnh đạo, trí thức có đóng góp quan trọng cho công cuộc phát triển của Việt Nam.

Anh-tin-bai

Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây, Trung Quốc chào đón đoàn cựu học sinh trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, Việt Nam đến thăm vào năm 2023. (Nguồn: CRI)

Hợp tác ngày càng sâu rộng

Là một trong những trung tâm giáo dục lớn của miền Nam Trung Quốc, trong những năm qua, Quảng Tây đã tích cực đẩy mạnh hợp tác với nhiều trường đại học tại Việt Nam thông qua các chương trình trao đổi sinh viên, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Ngoài các chương trình liên kết đào tạo, chính phủ Trung Quốc và tỉnh Quảng Tây còn cung cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên hai nước tiếp cận với nền giáo dục chất lượng cao.

Trong đó, Đại học Sư phạm Quảng Tây có vai trò đặc biệt quan trọng trong hợp tác giáo dục với Việt Nam. Nhà trường đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các trường đại học hàng đầu của Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực như đào tạo giáo viên, nghiên cứu giáo dục, trao đổi học thuật và giảng dạy ngôn ngữ.

Chia sẻ với TG&VN, ông Lý Tiên Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây cho biết: “Trọng tâm của chúng tôi là thúc đẩy hợp tác và trao đổi trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm giao lưu văn hóa, học ngôn ngữ, cũng như hợp tác trong khoa học, đổi mới sáng tạo và đào tạo nhân tài trong các ngành công nghệ mới. Hiện nay, sự hợp tác này đang ngày càng trở nên sâu rộng”.

Hàng năm, Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây tiếp nhận một số lượng lớn sinh viên Việt Nam theo học các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ. Nhà trường cũng tích cực hỗ trợ các chương trình trao đổi giảng viên giữa hai nước, giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, trường còn mở rộng chương trình đào tạo tiếng Việt, phục vụ nhu cầu ngày càng lớn về nguồn nhân lực có khả năng sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ: tiếng Trung và tiếng Việt.

“Trường cũng đang có kế hoạch mở một chuyên ngành tiếng Việt. Trước đây, chúng tôi chỉ có các khóa học tiếng Việt, nhưng hiện tại đang mở rộng thành một chuyên ngành hoàn chỉnh. Đồng thời, chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện cho sinh viên hai nước giao lưu nhiều hơn như tiếp nhận sinh viên Việt Nam đến học tại Trung Quốc và gửi sinh viên Trung Quốc sang Việt Nam học tập. Thông qua những hoạt động hợp tác này, chúng tôi mong muốn thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị giữa hai nước”, ông Lý Tiên Hiền khẳng định.

Cầu nối tăng cường quan hệ song phương

Với mối quan hệ ngày càng bền chặt, triển vọng hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Quảng Tây là rất lớn. Không chỉ giới hạn trong việc đào tạo ngôn ngữ, hai bên còn có thể mở rộng sang các lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học môi trường và năng lượng tái tạo.

 
Anh-tin-bai
Ông Lý Tiên Hiền - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây chia sẻ với TG&VN về hợp tác giáo dục Việt Nam - Trung Quốc. (Ảnh: Mỹ Linh)

Theo ông Lý Tiên Hiền, trong thời gian tới, Quảng Tây sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giáo dục với Việt Nam, tập trung vào nhiều phương diện quan trọng nhằm tăng cường quan hệ song phương và nâng cao chất lượng đào tạo.

Trước hết, hai bên sẽ chú trọng bảo tồn và mở rộng giao lưu văn hóa thông qua các hoạt động học thuật và trao đổi văn hóa, giúp sinh viên hai nước hiểu biết sâu sắc hơn về lịch sử, văn hóa và truyền thống của nhau.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), sẽ được đẩy mạnh nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục. Đại học Sư phạm Quảng Tây đã và đang xây dựng các tài liệu số phục vụ sinh viên quốc tế, góp phần mở rộng ảnh hưởng giáo dục và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người học.

Ngoài ra, hợp tác song phương giữa Đại học Sư phạm Quảng Tây và các cơ sở giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục được thúc đẩy thông qua việc mở các khóa học tiếng Việt, trao đổi sinh viên và giảng viên giữa hai nước.

Những chương trình này không chỉ giúp sinh viên có cơ hội học tập trong môi trường đa dạng mà còn góp phần tăng cường sự kết nối giữa các cơ sở đào tạo hai bên.

Ông Lý Tiên Hiền nhấn mạnh: “Trung Quốc và Việt Nam là những người hàng xóm không thể tách rời. Bất kể thế nào, hai nước vẫn sẽ chung sống hòa thuận và hợp tác phát triển, vì điều đó có lợi cho cả hai bên. Tôi tin rằng trong tương lai, chúng ta sẽ xây dựng một tình hữu nghị bền chặt hơn và mối quan hệ hợp tác ổn định hơn, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục”.

Trong bối cảnh hợp tác quốc tế ngày càng quan trọng, giáo dục sẽ tiếp tục là cầu nối giúp Việt Nam và tỉnh Quảng Tây tăng cường mối quan hệ song phương vững chắc. Những chương trình hợp tác hiện nay giữa hai nước không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn góp phần thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, mở ra một tương lai hợp tác bền vững và phát triển.

Trường Đại học Sư phạm Quảng Tây là một trong những trường có đông lưu học sinh Việt Nam nhất tại Trung Quốc. Hiện nay, trường đang đào tạo hơn 5.000 lưu học sinh Việt Nam. Tính đến năm 2024, đã có gần 20.000 lưu học sinh Việt Nam thế hệ mới hoàn tất khóa học và trở về nước.

Theo: Báo TGVN

Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1