image banner
Thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu 2025: Cột mốc mới trong hội tụ chiến lược

Hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Oslo là cơ hội để các nhà lãnh đạo Ấn Độ và các nước Bắc Âu củng cố các thành quả, giải quyết các thách thức và vạch ra lộ trình cho mối quan hệ đối tác đa chiều, mạnh mẽ hơn và mang lại lợi ích to lớn hơn.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thủ đô Oslo, Na Uy vào tháng tới, tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 với các nhà lãnh đạo Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Iceland.

Chuyến thăm từ ngày 15-16/5 của người đứng đầu chính phủ Ấn Độ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong nỗ lực làm sâu sắc quan hệ ngoại giao và kinh tế của New Delhi với các nước Bắc Âu. Khi Ấn Độ tăng cường sự hiện diện toàn cầu, khu vực Bắc Âu đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy các lợi ích chung trong các lĩnh vực như thương mại, đổi mới, phát triển bền vững và an ninh.

Anh-tin-bai

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu lần thứ 2 tại Copenhagen, Đan Mạch vào tháng 5/2022. (Nguồn: X)

“Tái sinh” liên kết lịch sử

Các mối liên hệ lịch sử đã tồn tại trong quan hệ Ấn Độ với Bắc Âu, từ sự công nhận ngoại giao sớm, các khoản đầu tư của Thụy Điển vào những năm 1960 và sự hỗ trợ sớm của Na Uy cho ngành thủy sản Ấn Độ... Mặc dù vậy, sự gắn kết giữa đất nước Nam Á với khối Bắc Âu vẫn mờ nhạt trong nhiều thập kỷ. Việc Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền đã khởi xướng một sự thay đổi đáng kể, phản ánh nỗ lực hồi sinh và nâng cao tính chiến lược cho mối quan hệ này. Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu đầu tiên tại Stockholm, Thụy Điển năm 2018 đã đánh dấu một thời khắc quan trọng trong dòng chảy đó.

Sự kiện này nổi bật không chỉ bởi định dạng chưa từng có - quy tụ các nhà lãnh đạo của Ấn Độ và cả 5 quốc gia Bắc Âu, mà còn trùng với chuyến thăm song phương đầu tiên của một Thủ tướng Ấn Độ tới Thụy Điển sau 30 năm. Hội nghị thượng đỉnh này đã đặt nền móng và thiết lập khuôn khổ cho đối thoại, hợp tác thường xuyên hơn và Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 2, sau Mỹ, "bắt tay" với cả Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch và Iceland trên quy mô lớn như vậy. Trong những năm qua, rõ ràng là các nước Bắc Âu quan tâm đến Ấn Độ và ngược lại, hai bên đang ở vị thế bổ sung cho nhau.

Động lực đó tiếp tục được bồi đắp với Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu lần thứ 2 tại Copenhagen vào tháng 5/2022 và các cuộc họp song phương cũng như hội nghị thượng đỉnh đa phương lớn khác, chẳng hạn như cuộc gặp giữa hai Thủ tướng Ấn Độ và Thụy Điển trong khuôn khổ COP 28 tại Dubai, UAE vào cuối năm 2023.

Vượt ra ngoài các cuộc thảo luận thương mại đơn thuần, các hội nghị thượng đỉnh đã khám phá sự hợp tác sâu sắc hơn trong đổi mới, công nghệ sạch, an ninh hàng hải, số hóa, y tế toàn cầu, cơ sở hạ tầng và hành động vì khí hậu. Tất cả đều được củng cố bởi cam kết chung về một trật tự dân chủ dựa trên quy tắc và giá trị. Sự tham gia cấp cao nhất quán báo hiệu một chính sách có chủ đích nhằm đưa khu vực Bắc Âu vào các tính toán chiến lược rộng lớn hơn của Ấn Độ.

Ngày 15/4, Thủ tướng Narendra Modi điện đàm với người đồng cấp Đan Mạch Mette Frederiksen, bày tỏ trông đợi Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu lần thứ 3 tại Na Uy. Ngày hôm sau, nhà lãnh đạo Ấn Độ cũng điện đàm với Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb, hai bên nhắc lại cam kết trong việc tăng cường quan hệ đối tác trong các lĩnh vực lượng tử, 5G-6G, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng...

Củng cố quan hệ ngoại giao

Những năm gần đây, quan hệ của Ấn Độ với các quốc gia Bắc Âu phát triển ổn định, ghi dấu ấn với sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu, công nghệ và giáo dục. Na Uy, Thụy Điển và Đan Mạch nổi tiếng với các chính sách tiến bộ về tính bền vững, trong khi Phần Lan và Iceland đã có những đóng góp đáng kể trong nghiên cứu và phát triển. Chuyến thăm Oslo của Thủ tướng Modi, vì thế, sẽ tạo cơ hội củng cố quan hệ ngoại giao và tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác sâu sắc hơn trong các lĩnh vực trên.

Một trong những điểm nhấn chính của hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ là các cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Ấn Độ và các quốc gia Bắc Âu có thể chia sẻ kinh nghiệm và nỗ lực đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu theo Thỏa thuận Paris. Cả hai bên đều nhận ra nhu cầu cấp thiết về các giải pháp năng lượng sạch và các mục tiêu đầy tham vọng của New Delhi về sản xuất năng lượng tái tạo khiến đây trở thành một lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng.

Sự hợp tác với các quốc gia Bắc Âu là nền tảng cho chính sách đối ngoại đang phát triển của Ấn Độ, tìm kiếm những đối tác có cùng chí hướng trong bối cảnh toàn cầu phức tạp.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế

Các cơ hội thương mại và đầu tư sẽ là trọng tâm chính trong chuyến thăm ngắn ngày của Thủ tướng Modi. Các quốc gia Bắc Âu nổi tiếng với nền kinh tế mạnh mẽ và những đổi mới công nghệ, trong khi Ấn Độ sở hữu một thị trường lớn và đang phát triển cho hàng hóa và dịch vụ. Với tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng, Ấn Độ mang đến nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Bắc Âu, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, công nghệ sạch và dịch vụ kỹ thuật số.

Tâm điểm của Ấn Độ trong việc mở rộng năng lực sản xuất theo sáng kiến Sản xuất tại Ấn Độ phù hợp với sự nhấn mạnh của các quốc gia Bắc Âu vào sản xuất chất lượng cao và công nghệ tiên tiến. Các cuộc thảo luận cấp cao sắp tới dự kiến sẽ tập trung vào việc cải thiện quan hệ thương mại, tăng cường đầu tư song phương và khám phá những hướng đi mới trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghệ xanh.

Một lĩnh vực tiềm năng khác là hàng hải, vì Na Uy, với tư cách là quốc gia dẫn đầu thế giới về vận tải biển, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ ngành hàng hải của Ấn Độ. Các cuộc thảo luận có khả năng sẽ đề cập các tuyến thương mại hàng hải, hoạt động vận tải biển bền vững và những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực vận tải biển.

Tổng khối lượng thương mại của Ấn Độ với các đối tác Bắc Âu quan trọng trong năm tài chính 2022-23: Thụy Điển dẫn đầu với 2,69 tỷ USD, tiếp theo là Phần Lan với 2,02 tỷ USD, Đan Mạch với 1,68 tỷ USD và Na Uy với 1,51 tỷ USD.

 

Tìm kiếm lợi ích an ninh chung

Ấn Độ và các quốc gia Bắc Âu chia sẻ cam kết mạnh mẽ đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và rộng hơn. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới là diễn đàn để hai bên thảo luận về những thách thức an ninh chung, trong đó có khủng bố, các mối đe dọa mạng và bất ổn khu vực. Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan vốn được biết đến với sự trung lập về ngoại giao và sự tham gia tích cực vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình trên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận mối quan ngại về an ninh của Ấn Độ, nhất là liên quan đến biên giới và động lực khu vực, cùng với lợi ích rộng lớn hơn của các nước Bắc Âu trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu, nỗ lực hợp tác trong chống khủng bố, quản lý thảm họa và viện trợ nhân đạo – thế mạnh về chuyên môn của khối Bắc Âu.

Ngoài lợi ích song phương, hai yếu tố địa chính trị chính thúc đẩy sự tham gia của Ấn Độ vào Bắc Âu: thách thức ngày càng tăng từ Trung Quốc và tham vọng ngày càng lớn của Ấn Độ đối với Bắc Cực. Các nước Bắc Âu, trước đây tương đối cởi mở với đầu tư và sự tham gia của Trung Quốc, giờ trở nên cảnh giác hơn. Sự thay đổi này tạo ra sự hội tụ chiến lược với New Delhi trong bối cảnh đang tìm kiếm các đối tác chia sẻ các giá trị dân chủ và ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đặc biệt là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Các nước Bắc Âu, đặc biệt là Na Uy, sở hữu chuyên môn và ảnh hưởng đáng kể trong các vấn đề Bắc Cực, mang đến cho Ấn Độ những hiểu biết sâu sắc, bí quyết công nghệ và cơ hội hợp tác có giá trị tại khu vực chiến lược quan trọng này.

Tập trung vào đổi mới và công nghệ

Các nước Bắc Âu đi đầu về đổi mới công nghệ, chẳng hạn như Thụy Điển và Phần Lan dẫn đầu trong chuyển đổi số và hệ sinh thái đổi mới. Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu ngành công nghiệp công nghệ phát triển mạnh mẽ và hệ sinh thái khởi nghiệp đang nở rộ. Hội nghị thượng đỉnh sẽ tạo cơ hội cho các cuộc thảo luận xung quanh việc mở rộng quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ sạch.

Sáng kiến Ấn Độ kỹ thuật số của New Delhi phù hợp với trọng tâm của các nước Bắc Âu về các giải pháp công nghệ cao, tạo ra các giải pháp trong quản trị điện tử, thành phố thông minh và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số. Các trung tâm nghiên cứu, phát triển và đổi mới chung có thể là kết quả trực tiếp của các cuộc thảo luận trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Thượng đỉnh Ấn Độ-Bắc Âu 2025: Cột mốc mới trong hội tụ chiến lược

Các nước Bắc Âu dẫn đầu toàn cầu về đổi mới, tính bền vững và chuyển đổi số. Điều này hoàn toàn phù hợp với các sáng kiến của Ấn Độ như Sản xuất tại Ấn Độ, Ấn Độ kỹ thuật số cũng như nỗ lực của Thủ tướng Modi trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Tăng cường giao lưu nhân dân

Như thông lệ, chuyến thăm của Thủ tướng Modi cũng sẽ bao gồm các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tăng cường quan hệ giữa nhân dân Ấn Độ và các nước Bắc Âu. Cộng đồng người Ấn Độ ở khu vực này đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, thực sự là cầu nối trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Một phần trong chuyến thăm là các sự kiện giới thiệu văn hóa Ấn Độ, bao gồm nghệ thuật, âm nhạc và múa hát, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.

Rõ ràng là, sự hiện diện của người đứng đầu chính phủ Ấn Độ tại Oslo không chỉ hướng đến việc củng cố quan hệ song phương mà còn đóng vai trò điểm nhấn về thời điểm quan trọng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ với khối Bắc Âu. Khi Ấn Độ đang vươn lên thành một cường quốc kinh tế và chính trị toàn cầu, Hội nghị thượng đỉnh Bắc Âu sẽ đóng vai trò thiết yếu trong việc định hình tương lai của các mối quan hệ chiến lược này.

Với việc cả Ấn Độ và các nước Bắc Âu đều cam kết phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo và hòa bình, chuyến thăm Na Uy của Thủ tướng Modi vào tháng tới hứa hẹn sẽ là một cột mốc trong việc làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược này. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 có ý nghĩa đặc biệt đối với cả hai bên, được kỳ vọng sẽ giải quyết nhiều vấn đề, từ quan hệ đối tác kinh tế đến các thách thức về môi trường, đồng thời củng cố vị thế của Ấn Độ như một bên chủ chốt trên trường quốc tế.

Chính sách Bắc Âu của Ấn Độ đã được thúc đẩy dưới thời Thủ tướng Modi, đại diện cho sự điều chỉnh chiến lược, vượt ra ngoài hợp tác ngách với các quốc gia xa xôi, hướng tới quan hệ đối tác toàn diện. Quan hệ Ấn Độ-Bắc Âu trên đà phát triển mạnh mẽ khi hai bên cùng các giá trị dân chủ chung, lợi ích kinh tế hội tụ trong đổi mới và phát triển bền vững và các mối quan tâm địa chính trị.

Theo: báo TGVN

 

Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1