Văn hóa Nhật Bản có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới bởi nền văn hóa truyền thống đặc sắc, nhận thức từ rất sớm ý nghĩa và hiệu quả việc thúc đẩy ngoại giao thông qua văn hóa.
Ngoại giao văn hóa là một phạm trù thực tiễn nhiều hơn là một học thuyết hay là một định nghĩa. Thông qua các hoạt động văn hóa để quảng bá hình ảnh, tạo nền tảng nhận thức và tình cảm của người dân, qua đó thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng.
Hầu hết các nước, không chỉ các nước phát triển, các nước có truyền thống văn hóa lâu đời, mà cả các nước mới nổi đều có chính sách truyền bá văn hóa ra nước ngoài để thu hút sự chú ý quan tâm và gắn kết của người dân nước ngoài.
|
Đại sứ Vũ Hồng Nam chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Nhật Bản Santo Akiko, ngày 29/5/2020. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản) |
Văn hóa Nhật Bản có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới bởi nền văn hóa truyền thống đặc sắc; nhận thức từ rất sớm ý nghĩa và hiệu quả việc thúc đẩy ngoại giao thông qua văn hóa. Nhật Bản tích cực truyền đạt thông tin về chính sách đối ngoại cũng như thông tin chung về Nhật Bản để thế giới hiểu rõ hơn về Nhật Bản.
Người dân ở bất cứ đâu trên thế giới đều biết Nhật Bản là đất nước mặt trời mọc, hàng hóa đẹp, bền và tiện lợi, nơi mùa Xuân có hoa anh đào, có lá đỏ vào mùa Thu, nơi xuất phát của món sashimi, sushi nổi tiếng cùng những tà áo kimono đài các, nơi lịch sử samurai mãi mãi trường tồn...
Ba trụ cột tinh thần của ngoại giao văn hóa Nhật Bản
Thúc đẩy ngoại giao văn hóa của Nhật được phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Giai đoạn sau Chiến tranh thế giới thứ hai, ngoại giao Văn hóa có nhiệm vụ đưa hình ảnh Nhật Bản một quốc gia quân sự thành một quốc gia yêu chuộng hòa bình và dân chủ.
Từ cuối những năm 1960 đến đầu những năm 1970, hoạt động văn hóa Nhật Bản góp phần xây dựng hình ảnh một đất nước có nền kinh tế tiên tiến, thể hiện một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Đến cuối những năm 1980, chính sách ngoại giao văn hóa được nhìn nhận là một trong ba trụ cột của chính sách đối ngoại của Nhật Bản; “hợp tác văn hóa” bắt đầu đóng một vai trò quan trọng.
Từ những năm 1990 trở đi, đánh dấu một giai đoạn mới trong chính sách ngoại giao văn hóa, đặc biệt là trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Mục tiêu của chính sách Ngoại giao Văn hóa Nhật Bản vẫn là tiếp tục giải thích những quan điểm của Nhật Bản, tạo lập những cây cầu đối thoại văn hóa, nhưng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của di sản văn hóa nhân loại, góp phần làm giàu cho văn hóa nhân loại. Nhật Bản hướng đến việc trao đổi văn hóa vì mục đích hòa bình.
Đến tháng 7/2005, Chính quyền Thủ tướng Koizumi công bố văn kiện Giao lưu văn hóa của quốc gia hòa bình mang tính cương lĩnh ngoại giao văn hóa quốc gia. Từ đó đến nay, Nhật Bản thực hiện đường lối Ngoại giao Văn hóa dựa trên những quan điểm của chính sách này.
Trong đó xác định ba mục tiêu: Thúc đẩy hiểu biết của thế giới về Nhật Bản, nâng cao hình ảnh, cũng như lòng tin của các quốc gia đối với Nhật Bản; Tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa, văn minh khác nhau, tránh khỏi xung đột; Nuôi dưỡng giá trị và quan niệm văn hóa chung của toàn nhân loại cùng với việc bảo vệ, tôn trọng tính đa dạng văn hóa.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa của Nhật Bản được triển khai dựa trên ba trụ cột tinh thần:
Trụ cột thứ nhất là truyền bá văn hóa: được thực hiện thông qua các công cụ truyền bá chủ chốt là phổ cập tiếng Nhật, giao lưu văn hóa, nghệ thuật hiện đại, tác phẩm văn học, nghệ thuật sân khấu, hoạt hình, âm nhạc, điện ảnh, phim truyền hình.
Ngoại giao văn hóa Nhật Bản cũng chú trọng quảng bá hình ảnh đất nước Nhật Bản thông qua khoa học và văn hóa đời sống như thời trang, ẩm thực... Bộ Ngoại giao Nhật Bản xây dựng các trang website để cung cấp thông tin chung về Nhật Bản, thành lập “Nhà Nhật Bản” tại Sao Paulo (Brazil), Los Angel (Mỹ), London (Anh), tổ chức các hội thảo, các bài giảng của chuyên gia trong khuôn khổ “chương trình Thương hiệu Nhật Bản” để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế.
Ngoài ra, thông qua Quỹ giao lưu văn hóa quốc tế Nhật Bản (Japan Foundation), thành lập năm 1972 với văn phòng đại diện tại 24 quốc gia, Nhật Bản triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa với mục đích làm sâu sắc hiểu biết của các nước về Nhật Bản, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau trong cộng đồng quốc tế; tăng cường tình hữu nghị và thiện chí quốc tế; nâng cao văn hóa thế giới.
Quỹ có ngân sách hoạt động riêng do Chính phủ Nhật Bản tài trợ và nguồn thu từ các tổ chức đóng góp, ủy thác… Từ ngân sách này Quỹ có thể hỗ trợ tài chính cho các hoạt động giao lưu văn hóa trong các lĩnh vực giảng dạy tiếng Nhật, nghiên cứu Nhật Bản, nghệ thuật, truyền thông, thể thao… do các tổ chức, đoàn thể, cá nhân trong và ngoài Nhật Bản chủ trì…
|
Ngoại giao văn hóa Nhật Bản chú trọng quảng bá hình ảnh đất nước thông qua khoa học và văn hóa đời sống như thời trang, ẩm thực.. (Nguồn: Seikoskd) |
Trụ cột thứ hai là hấp thụ văn hóa: Có thể nói lịch sử văn hóa Nhật Bản là lịch sử tiếp thu tinh hoa văn hóa ngoại lai. Hấp thụ văn hóa được coi là nguồn động lực kích thích văn hóa Nhật Bản phát triển, biến Nhật Bản thành nơi sáng tạo văn hóa tràn đầy sức sống. Các phương thức thúc đẩy hấp thụ văn hóa là tích cực tiếp nhận lưu học sinh nước ngoài, tạo cơ hội thu hút nhân tài đến Nhật Bản sinh sống và nghiên cứu…
Từ quan điểm này, Nhật Bản hoan nghênh sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản, khuyến khích thanh niên Nhật Bản tham gia vào các chương trình giao lưu quốc tế, trao đổi sinh viên. Vì vậy, Nhật Bản chủ động tổ chức các chương trình giao lưu quốc tế như chương trình JET (Japan Exchange and Teaching Program), Chương trình giao lưu thế hệ trẻ và sinh viên giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á (JENESYS).
Trụ cột thứ ba là Cộng sinh văn hóa: Sự cộng sinh như thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn minh, truyền bá quan niệm cơ bản của hợp tác quốc tế của Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác quốc tế, bảo vệ, tu sửa tài sản, di sản văn hóa nhân loại vật thể và phi vật thể. Chính phủ Nhật Bản tích cực hỗ trợ Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) và Đại học Liên hợp quốc thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và khoa học.
Từ khi Mỹ rút khỏi UNESCO vào cuối năm 2018, Nhật Bản là nước đóng góp ngân sách cho UNESCO đứng thứ hai sau Trung Quốc. Ngoài ra, Nhật Bản cũng thành lập ba Quỹ trong UNESCO để bảo tồn di sản văn hóa thế giới (2018), Quỹ nâng cao năng lực nguồn nhân lực (2000), Quỹ thúc đẩy giáo dục ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (2009), Quỹ dành cho Chương trình khoa học về các thách thức toàn cầu ở khu vực Châu Á và Thái Bình Dương (2007).
Chính sách ngoại giao văn hóa toàn diện, linh hoạt đã giúp Nhật Bản khẳng định được vị thế cao trên trường quốc tế và khu vực; góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế của Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Bài học thiết thực với Việt Nam
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và thực tiễn triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa, có thể rút ra một số bài học thiết thực đối với Việt Nam như sau:
Thứ nhất, ta cần xây dựng cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị trên cả Ngoại giao nhà nước, Đối ngoại Đảng, Đối ngoại nhân dân; nâng cao nhận thức tầm quan trọng của Ngoại giao văn hóa từ trung ương đến địa phương.
Đối với Nhật Bản, từ sau Chiến tranh thứ hai đến nay, mỗi giai đoạn phát triển đất nước, ngoại giao văn hóa của Nhật Bản lại có nhiệm vụ riêng; nhiệm vụ đó phục vụ cho định hướng phát triển của Nhật Bản trong giai đoạn đó. Bộ Ngoại giao là cơ quan phụ trách, đề xuất, triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa và ký các điều ước quốc tế liên quan đến văn hóa...
Trong quá trình thực hiện, Bộ Ngoại giao phối hợp với các Bộ, ngành như Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ và các địa phương để triển khai. Có như vậy, các hoạt động ngoại giao văn hóa mới được thực hiện một cách có hệ thống, hiệu quả cao.
Trên cơ sở định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII là “tiếp tục thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”, ta cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ của ngoại giao văn hóa trong giai đoạn này.
Từ đó. xây dựng kế hoạch tổng thể để tránh sự chồng chéo, rời rạc giữa các bộ ngành, địa phương, lãng phí không cần thiết trong triển khai. Trong Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Việt Nam cũng cần xây dựng cơ chế làm việc rõ ràng như Cơ quan nào làm đầu mối, Ban chỉ đạo hoạt động như thế nào, cơ chế phối hợp ra sao...
Thứ hai, ta cần có sự quan tâm đúng mức, dành nguồn ngân sách phù hợp để triển khai ngoại giao văn hóa và bồi dưỡng, đào tạo nguồn lực con người làm ngoại giao văn hóa. Nhật Bản dành một ngân sách nhất định để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa.
Từ năm 2008 đến nay, hàng năm chính phủ Nhật Bản đều có dự toán ngân sách dành riêng cho ngoại giao văn hóa, ngân sách năm 2021 tăng gấp hai lần năm 2008 từ 160 triệu USD lên 300 triệu USD. Nhờ vậy, Nhật Bản đã tài trợ được nhiều chương trình giao lưu quốc tế, các Quỹ hợp tác quốc tế, hỗ trợ chương trình giảng dạy tiếng Nhật... Điều này cho thấy Nhật Bản coi trọng ngoại giao văn hóa và dành nguồn tài chính để triển khai ngoại giao văn hóa.
Với Việt Nam, mặc dù xác định ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột của ngoại giao, nhưng nguồn tài chính để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa vẫn còn hạn chế và không ổn định. Vì vậy, ta cần đề xuất nguồn ngân sách ổn định cho ngoại giao văn hóa.
Bên cạnh đó, ta cũng cần có chính sách thu hút các nguồn xã hội hóa; có cơ chế khuyến khích, động viên khu vực tư nhân tham gia, đồng hành vào các hoạt động ngoại giao văn hóa. Ví dụ trong công tác bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể: cần đầu tư thích đáng để bảo tồn và phát triển các khu di tích, âm nhạc, điệu múa truyền thống, sưu tầm trang phục cổ, hiện đại hóa cho phù hợp với thời gian, nghiên cứu phát triển ẩm thực truyền thống, tài trợ để phát triển sự hiện diện của văn hóa Việt Nam ở nước ngoài (âm nhạc, trang phục, ẩm thực...).
Nguồn lực con người cũng là yếu tố quan trọng đối với thành bại trong bất cứ công việc gì. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Tại thời điểm tháng 1/2020, Nhật Bản là quốc gia có số lượng nhân viên làm tại UNESCO đứng thứ 2 sau Pháp với 55 nhân viên.
Hiện nay, chúng ta vẫn thiếu một đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, vừa được đào tạo cơ bản về ngoại giao, vừa có kiến thức về văn hóa và sử dụng thành thạo ngoại ngữ. Do đó, trước mắt, cần tập trung thực hiện các giải pháp khả thi như đào tạo cơ bản tại các trường đại học chính quy, tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn cho các cán bộ ngoại vụ địa phương. Về dài hạn, ta cần xây dựng kế hoạch đạo tạo, bồi dưỡng và cử người Việt Nam tham gia vào làm việc tại các tổ chức quốc tế.
Thứ ba, ngoại giao văn hóa cần gắn chặt, bổ trợ cho ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế. Nhật Bản xác định ngoại giao văn hóa cần liên kết chặt chẽ với các chính sách thương mại quốc tế, tạo một môi trường thuận tiện cho xuất khẩu hàng hóa văn hóa nói riêng và các sản phẩm khác của Nhật Bản tại thị trường nước ngoài. Vì vậy, ngoài mục tiêu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản, ngoại giao văn hóa Nhật bản còn gánh vác cả vai trò hỗ trợ ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế.
Thực tế đã chứng minh, trong khi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng trì trệ, thì nền văn hóa đại chúng của Nhật Bản đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp văn hóa như: Phim hoạt hình (Anime), truyện tranh (Manga), phần mềm trò chơi trên máy vi tính và điện thoại di động, thời trang, âm nhạc pop, món ăn Sushi… đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Nhật Bản quảng bá thông tin về Nhật Bản cũng rất linh hoạt, tận dụng các công nghệ hiện đại như trang website, nền tảng xã hội. Đối với Việt Nam, ta có thể tính đến chiến lược nuôi dưỡng niềm tự hào “thương hiệu quốc gia”, “thương hiệu địa phương”, lồng ghép các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại trong các sự kiện quảng bá văn hóa như giới thiệu sản phẩm hàng hóa khi quảng bá ẩm thực...
Trong thời đại công nghệ số đang nở rộ, ngoại giao văn hóa cần nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, phương pháp phù hợp với bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước để quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, cởi mở, thân thiện, với ý chí và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Thứ tư, phát huy vai trò các cơ quan đại diện tại nước ngoài, tranh thủ các diễn đàn đa phương để truyền thông điệp ra thế giới về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn có tinh thần trách nhiệm bảo vệ hòa bình.
Nhật Bản đã tăng cường sự hiện diện tại các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, cũng như nỗ lực dẫn dắt các chương trình hợp tác quốc tế thông qua các dự án viện trợ không hoàn lại bảo tồn di sản văn hóa, chương trình giao lưu mang tầm cỡ khu vực và thế giới để thể hiện Nhật Bản là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.
Từ đó, Nhật Bản có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế như ủng hộ các vấn đề liên quan đến Nhật Bản, ủng hộ các ứng cử viên của Nhật Bản trong các cuộc tranh cử vào vị trí lãnh đạo các tổ chức quốc tế...
|
Triển lãm hoa anh đào Nhật Bản năm 2017 tại Hà Nội. (Ảnh: Trung Hiếu) |
Đối với Việt Nam, trong khi tiềm lực kinh tế của ta để triển khai các hoạt động ngoại giao văn hóa còn hạn chế, ta cần phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ta tại nước ngoài để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, cũng như nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc tinh hóa văn hóa, tri thức, kinh nghiệm hay, khoa học tiên tiến trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Đồng thời, ta nên tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương, tổ chức quốc tế, trước mắt là đóng góp sáng kiến, nhân lực, sau đó tính tới đóng góp tài chính để tận dụng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và các biện pháp bảo vệ chủ quyền hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Thứ năm, phát huy vai trò cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hơn 4 triệu người có mặt ở hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Mỗi người Việt chính là một đại sứ văn hóa truyền bá văn hóa của Việt Nam. Chúng ta cần nuôi dưỡng trong họ niềm tự hòa dân tộc, tự hào là người Việt Nam, mà qua họ, văn hóa Việt Nam được truyền bá một cách sâu sắc nhất tới những người dân đất nước mà họ sinh sống.
Trong bối cảnh các phương thức truyền thông, giao tiếp ngày càng phát triển, ngoại giao văn hóa ngày càng được các quốc gia coi trọng, các cường quốc chú trọng mở rộng và triển khai ảnh hưởng của “sức mạnh mềm”, “văn hóa đi trước, hàng hóa đi sau”. Nhật Bản đã sử dụng thành công ngoại giao văn hóa để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế và tạo môi trường thuận lợi cho triển khai các lợi ích chiến lược của mình.
Trong chính trị ngoại giao, các bạn yêu văn hóa Việt Nam, yêu quý người Việt Nam sẽ là những hạt nhân trong các phong trào ủng hộ Việt Nam mỗi khi đất nước lâm nguy. Sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng thế giới ủng hộ cuộc chiến tranh giải phóng đất nước của người dân Việt Nam những năm cuối thế kỷ trước đã chứng minh điều đó.
Để phục vụ hiệu quả công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước, hoạt động ngoại giao văn hóa cần nâng cao cả về chất lẫn lượng. Từ thực tiễn triển khai, nghiên cứu kinh nghiệm của các nước đã sử dụng thành công công cụ ngoại giao văn hóa, các hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam sẽ ngày càng hiệu quả và mang đậm bản sắc Việt Nam.
Theo: báo TGVN