Báo Financial Times (FT) nhận định xu hướng rõ ràng sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và được củng cố trong đại dịch Covid-19 đó là nền kinh tế Mỹ đã vượt qua châu Âu, được dự báo sẽ tiếp diễn đến năm 2024 và thậm chí xa hơn nữa.
|
Nền kinh tế Mỹ đã vượt qua châu Âu, được dự báo sẽ tiếp diễn đến năm 2024 và thậm chí xa hơn nữa. (Nguồn: Bloomberg) |
Tuần trước, trong Hội nghị mùa Thu 2023 của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ở Marrakech, Maroc, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu toàn cầu, dự kiến tăng trưởng 1,5% trong năm tới. Trong khi, dự báo tăng trưởng kinh tế của IMF đối với Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) và Anh lần lượt là 1,2% và 0,6%.
Đâu là nguyên nhân lý giải cho sự khác biệt ngày càng lớn giữa hai khu vực giàu có nhất thế giới, khi Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ gần gấp đôi Eurozone và Anh trong hai thập kỷ qua?
Những lý do chính bao gồm từ chu kỳ đến cơ cấu. Các yếu tố tương đối ngắn hạn như biện pháp kích thích sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine đã tạo nên sự khác biệt, nhưng còn có những yếu tố khác để giải thích cho câu hỏi này, như khả năng tiếp cận tín dụng và xu hướng đầu tư, cùng với thành phần công nghiệp và nhân khẩu học.
Gói kích thích dồi dào thúc đẩy chi tiêu
Trong thời kỳ đại dịch Covid-19, các quan chức ở hai bên bờ Đại Tây Dương đã sử dụng các biện pháp kích thích tài chính mạnh mẽ, để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế chuyển thành khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, Mỹ đã thực hiện với quy mô lớn hơn. Điều này đã dẫn đến mức thâm hụt ngân sách khổng lồ của Mỹ trong các hai năm đại dịch. Vào năm 2021, thâm hụt của chính phủ Mỹ chiếm 9,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn gấp đôi mức thâm hụt của Eurozone và gần gấp đôi so với mức của Anh.
Chuyên gia Jennifer McKeown, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Capital Economics, cho biết: “Mỹ đã có phản ứng tài chính đặc biệt mạnh mẽ sau đại dịch và điều này đã hỗ trợ nền kinh tế”.
Sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ Mỹ đã giúp thúc đẩy sự phục hồi trong chi tiêu của người tiêu dùng, trở thành một trong những lý do chính khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này rất mạnh mẽ.
Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của IMF, cho biết các hộ gia đình châu Âu có thể đã “thận trọng” hơn so với các hộ gia đình Mỹ vì những lý do khác, bao gồm cả việc họ ở gần cuộc xung đột ở Ukraine hơn.
Ông Gourinchas lập luận rằng cú sốc giá năng lượng "khốc liệt" ở châu Âu - một hậu quả khác của cuộc xung đột - là động lực "quan trọng nhất" dẫn đến sự khác biệt kinh tế gần đây của hai khu vực.
Giá khí đốt bán buôn ở châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục, lớn hơn nhiều so với mức giá ở Mỹ, sau khi xung đột bùng phát vào tháng 2/2022. Kết quả là lạm phát giá năng lượng tại Anh lên tới 59% và tại Eurozone là 44%.
Tại Hội nghị mùa Thu IMF-WB, Vị chuyên gia hàng đầu của IMF, phát biểu: “Khu vực này (châu Âu) còn nghèo do giá năng lượng cao”.
Chuyên gia Tomasz Wieladek, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Âu tại công ty đầu tư T Rowe Price, đồng quan điểm. Ông nhấn mạnh: “Nguồn năng lượng chính của châu Âu đã không còn đáng tin cậy”.
Lĩnh vực công nghệ đang bùng nổ của Mỹ
Yếu tố cấu trúc quan trọng đằng sau sự khác biệt kinh tế giữa Mỹ và châu Âu là sự khác nhau về cơ cấu công nghiệp của hai nền kinh tế. Mỹ có một hệ thống công nghệ đang bùng nổ. Nhiều công ty của nước này đã thành công và ngày càng sáng tạo, như Amazon, Alphabet (công ty mẹ của Google) và Microsoft. Trong khi châu Âu không sở hữu các công ty có quy mô tương đương.
Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng việc Mỹ thống trị lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể khiến cho khoảng cách với châu Âu ngày càng mở rộng. Ngược lại, các lĩnh vực công nghiệp tiềm năng quan trọng của châu Âu đang chật vật đối mặt với mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chẳng hạn như xe điện.
Chuyên gia Christian Keller, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Đầu tư Barclays, nói: “Châu Âu, đặc biệt là Đức, đã là ‘người chiến thắng lớn’ từ xu hướng toàn cầu hóa cho đến năm 2018. Nhưng kiểu toàn cầu hóa đó giờ đây dường như đã kết thúc”.
Không những vậy, Mỹ cũng đang tỏ ra nhanh nhẹn hơn trong việc chuyển đổi nền kinh tế sang hướng công nghệ xanh. Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) trị giá 369 tỷ USD của Washington đã giúp khuyến khích đầu tư vào công nghệ xanh, với hàng trăm tỷ USD tiền trợ cấp và tín dụng thuế.
Theo nhiều nhà kinh tế, phản ứng của Liên minh châu Âu (EU) chậm hơn và quá trình thực thi cũng phức tạp hơn. Bị thu hút bởi IRA, một số công ty châu Âu đã chuyển đầu tư sang Mỹ, bao gồm Total Energies, BMW và Northvolt. Chuyên gia Gruenwald, nhà kinh tế trưởng tại S&P Global Ratings , cho biết: “Chắc chắn hiện đang có một sự phục hưng đầu tư ở Mỹ”.
Việc tiếp cận tài chính dễ dàng hơn từ lâu đã giúp nền kinh tế Mỹ, bao gồm cả lĩnh vực công nghệ, bùng nổ. Nhiều vốn đầu tư mạo hiểm hơn, thị trường nợ và vốn cổ phần phát triển tốt hơn đã giúp các công ty Mỹ dễ dàng huy động vốn để mở rộng hoạt động nhanh hơn so với các đối tác châu Âu ,vốn phụ thuộc lớn vào hoạt động giải ngân của các ngân hàng.
Theo: Báo TGVN