Ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế là nội dung quan trọng được đề cập từ rất sớm trong đường lối đối ngoại Việt Nam. Việc tham gia mở rộng kinh tế đối ngoại không chỉ dừng lại ở mức độ tham gia kiến tạo chính sách kinh tế đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi, tham gia giải quyết những khúc mắc, khó khăn, mà còn đi vào những vấn đề rất cụ thể như xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư, thu hút viện trợ nước ngoài và môi giới những hợp đồng kinh tế lớn.
Một trọng tâm của ngành Ngoại giao
Năm 1985, được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, ngoại giao phục vụ kinh tế (NGKT) được xác định là nhiệm vụ chính của ngành Ngoại giao, đặc biệt là sau Đại hội Đảng VI. Từ đó đến nay, NGKT luôn được thảo luận tại các hội nghị Ngành và tập trung vào việc đa phương, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng thị trường, tranh thủ viện trợ, đầu tư, công nghệ và từng bước hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Những năm gần đây, nhận thức của Ngành về NGKT đã được nâng cao thêm, đặc biệt là tính cấp bách của công tác này cũng như nội dung phương hướng của hoạt động ngoại giao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) đất nước.
Đến năm 2010, lần đầu tiên, Ban Bí thư đã ra một chỉ thị về tăng cường công tác NGKT trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước (Chỉ thị 41-CT/TW ngày 15/4/2010), trong đó nêu rõ NGKT tế là ưu tiên hàng đầu trong ba trụ cột của đối ngoại là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.
NGKT ngày nay đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên trong hoạt động đối ngoại, đặc biệt là các cơ quan làm đối ngoại và kinh tế đối ngoại như các ngành Ngoại giao, Công thương, Kế hoạch & Đầu tư, Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn...
Những biện pháp thúc đẩy NGKT
Nhằm thực hiện tốt Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, ngành Ngoại giao đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, cụ thể là:
Thông tin, tuyên truyền về tình hình kinh tế - kỹ thuật - công nghệ là lĩnh vực mà Ngoại giao có ưu thế, cần thúc đẩy để làm tốt hơn nữa. Các cơ quan đại diện thực hiện tuyên truyền phục vụ kinh tế đối ngoại về các chính sách kinh tế đối ngoại của VN, tiếp xúc với các đối tác, tham gia các hoạt động hội thảo, hội nghị, toạ đàm, gặp gỡ doanh nghiệp để quảng bá, tuyên truyền về VN, thu hút giới đầu tư, thương mại và khách du lịch. Điều kiện quan trọng để có thể làm tốt công tác này là sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Thông tin hai chiều giữa các cơ quan đại diện với các cơ quan, tổ chức kinh tế và doanh nghiệp trong nước là cơ sở và điều kiện tiên quyết để làm tốt công tác này.
Với kinh nghiệm quốc tế, ngành Ngoại giao có thể tham mưu, tư vấn cho các cơ quan và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực cụ thể như: Nghiên cứu và kiến nghị về kinh nghiệm, chính sách, chiến lược, luật lệ kinh tế của nước sở tại và kiêm nhiệm để phục vụ việc hoạch định chính sách trong nước; Phối hợp với các cơ quan trong nước đàm phán với nước sở tại về các vấn đề kinh tế; xây dựng, đàm phán và ký kết các hiệp định, hợp đồng với các đối tác nước ngoài; Theo dõi tình hình và kiến nghị cho trong nước về các chủ trương, chính sách, tình hình viện trợ của các nước.
Vận động ở nước ngoài là lĩnh vực mà ngành Ngoại giao thực sự có thế mạnh. Các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện là người thích hợp nhất cho việc trực tiếp vận động chính giới sở tại, các tổ chức kinh tế, chính trị, doanh nghiệp trong việc giải quyết các vấn đề lớn trong quan hệ hợp tác kinh tế với nước ta. Các vấn đề lớn này còn bao gồm cả những tranh chấp kinh tế, thương mại lớn, việc xoá bỏ các hàng rào thuế và phi thuế đối với xuất khẩu của VN, đấu tranh nhằm thực hiện tốt các hiệp định kinh tế, thương mại với nước sở tại... Các cơ quan đại diện cũng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong công tác vận động đấu thầu quốc tế, giúp các công ty trong nước về thông tin các mặt, kể cả việc vận động để thắng trong các gói thầu lớn, các đơn đặt hàng lớn của các tổ chức quốc tế và các nước viện trợ.
Góp phần giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Ngành Ngoại giao tích cực hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong nước thông qua: theo dõi, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện các thoả thuận và cam kết quốc tế về hợp tác kinh tế; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất nhập cảnh và giải quyết các thủ tục lãnh sự; làm tốt công tác cộng đồng; huy động tối đa nguồn lực từ người VN ở nước ngoài...
Đối với những thị trường mà ta chưa có mặt, ngoại giao cần nghiên cứu khả năng tiếp cận, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hàng hoá VN thâm nhập. Các cơ quan đại diện phối hợp tổ chức và hỗ trợ các đoàn thương nhân trong nước ra hoạt động ở nước ngoài; hỗ trợ các hoạt động tiếp thị của doanh nghiệp; tư vấn và hỗ trợ các doanh nghiệp đàm phán ký kết hợp đồng; bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và công dân VN ở nước ngoài; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện hợp đồng. Các cơ quan đại diện cần thực hiện phương châm "ở đâu khó, có chúng tôi".
Trong bối cảnh hoạt động kinh tế của các tổ chức, doanh nghiệp, và công dân VN trên phạm vi quốc tế ngày càng mở rộng, vấn đề bảo hộ công dân - bảo hộ lợi ích chính đáng của các tổ chức, doanh nghiệp và công dân nước ta ở nước ngoài ngày càng trở nên quan trọng. Với tư cách là cơ quan đại diện cho quyền lợi của nhà nước và công dân VN, các cơ quan đại diện ta ở nước ngoài là chỗ dựa quan trọng cho các tổ chức, doanh nghiệp và công dân trong quan hệ hợp tác, làm ăn, lao động, học tập... ở nước ngoài.
Tóm lại, NGKT đã trở thành một trọng tâm của công tác đối ngoại. NGKT thể hiện ở đóng góp vào việc tranh thủ mọi nguồn ngoại lực cho đất nước./.
(Nguồn: TG&VN)