image banner
Quyết định số 70/QĐ-UBND về việc ban hành Chương trình định hướng hoạt động đối ngoại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013-2015

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH NGHỆ AN

Số: 70 /QĐ-UBND

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Nghệ An, ngày 07 tháng 01 năm 2013

QUYẾT ĐỊNH

Về việc ban hành Chương trình định hướng hoạt động đối ngoại

tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/ 2003;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-TW ngày 23/3/2010 của Ban Chấp hành Trung ương về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất nhất các hoạt động đối ngoại;

Căn cứ Quyết định số 67/2011/QĐ-TTg ngày 12/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực truộc Trung ương;

Căn cứ Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Quyết định số 60/2012/QĐ-UBND ngày 22/8/2012 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh Nghệ An;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ Nghệ An tại Tờ trình số 629/SNgV-VP ngày 20/12/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình định hướng hoạt động đối ngoại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

- Như Điều 2;

- Bộ Ngoại giao;

- Thường trực Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh;

- Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND tỉnh;

- Chánh VP, phó VP UBND tỉnh;

- Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Nghệ An;

- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

CHỦ TỊCH

(Đã ký)

Hồ Đức Phớc

UỶ BAN NHÂN DÂN

TỈNH NGHỆ AN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

CHƯƠNG TRÌNH

ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

(Ban hành kèm theo Quyết định 70 /QĐ-UBND ngày 07 /01/2013)


PHẤN THỨ NHẤT

KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

TỈNH NGHỆ AN TRONG THỜI GIAN QUA

1. Kết quả đạt được

Trong những năm qua, hoạt động đối ngoại của tỉnh Nghệ An đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Các hoạt động đối ngoại ngày càng đa dạng, phong phú, được triển khai ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đóng góp thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hợp tác quốc tế của tỉnh.

Công tác phối hợp quản lý các hoạt động đối ngoại ngày càng nhịp nhàng, thống nhất và chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của tỉnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đối ngoại được xây dựng, bổ sung là cơ sở cho việc quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại đạt hiệu quả cao hơn.

Công tác ngoại giao kinh tế được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm thông qua việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác này. Qua đó, công tác ngoại giao kinh tế trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả tích cực: Quan hệ của tỉnh với các nước, các tập đoàn tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài ngày càng được tăng cường. Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh đã tranh thủ thông qua nhiều kênh để kêu gọi, vận động viện trợ những dự án từ các nguồn vốn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hoạt động thông tin đối ngoại được chú trọng và tăng cường, phản ánh kịp thời các sự kiện diễn ra trong tỉnh. Đồng thời, thông qua việc đón tiếp, làm việc với Đại sứ các nước như: Nga, Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn quốc, Australia, Phần Lan, Marốc, Israel, Inđônêxia... đến thăm và làm việc với tỉnh, các sự kiện văn hóa lớn, các hoạt động xúc tiến đầu tư... đã giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; thông tin những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng phát triển, các chính sách ưu tiên, tiềm năng, thế mạnh về đầu tư, du lịch, kinh doanh, thông tin về tôn giáo, dân chủ, nhân quyền nhằm đấu tranh bác bỏ những thông tin sai lệch về tình hình thực tế ở Nghệ An.

Ngoại giao văn hóa đạt được nhiều kết quả, tổ chức thành công nhiều sự kiện ngoại giao văn hóa ( Lễ hội làng Sen; Tiếng hát dân ca Xứ Nghệ ....). Đồng thời, thông qua các sự kiện văn hóa nhằm quảng bá hình ảnh, các nét văn hóa đặc sắc và độc đáo, giới thiệu tiềm năng kinh tế, văn hóa, du lịch của Nghệ An với bạn bè quốc tế.

Nhằm phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, tỉnh đã cử nhiều đoàn cán bộ đi nghiên cứu khảo sát thị trường, xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ, du lịch, tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm theo các chuyên ngành khác nhau.

Tỉnh đã làm tốt công tác lãnh sự, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan xử lý các vụ việc có yếu tố nước ngoài đảm bảo yêu cầu đối ngoại, kịp thời và đúng quy định.

Công tác đảm bảo an ninh biên giới quốc gia được chú trọng. Tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng như: Công an, Bộ đội Biên phòng và các huyện biên giới phối hợp với các tỉnh bạn Lào trong việc phòng, chống buôn bán, vận chuyển, tàng trữ chất ma tuý, chất nổ, hàng quốc cấm, di cư tự do, vượt biên giới trái phép, kết hôn không giá thú qua biên giới... nhằm đảm bảo an ninh, trật tự trên tuyến biên giới Việt - Lào.

Công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc Quốc giới Việt Nam - Lào được triển khai thực hiện theo kế hoạch của Ủy ban Biên giới Quốc gia hai nước Việt Nam - Lào đề ra.

2. Khó khăn, hạn chế

2.1. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại thiếu về số lượng và kinh nghiệm thực tế, nhất là nghiệp vụ đối ngoại, trình độ ngoại ngữ, pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

2.2. Công tác lập dự án vận động nguồn vốn FDI, ODA, NGO chưa được quan tâm và phối hợp đúng mức. Quy trình, thủ tục ở một số khâu, ngành còn chậm. Sự phối, kết hợp giữa các cấp, các ngành trong việc phê duyệt và triển khai dự án còn hạn chế. Công tác xúc tiến, vận động, thu hút đầu tư và viện trợ chưa đạt hiệu quả tương xứng.

2.3. Chưa khai thác được sức mạnh tổng hợp của nhân dân, các tổ chức đoàn thể về hoạt động đối ngoại. Công tác đối ngoại chưa thực sự tác động đến các doanh nghiệp, chưa tổ chức được diễn đàn giao lưu giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài một cách thường xuyên, bài bản.

2.4. Việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, giới thiệu quảng bá sản phẩm, thâm nhập, tìm hiểu thị truờng chưa được quan tâm đúng mức. Hầu hết, các doanh nghiệp Nghệ An chưa đủ mạnh để vươn tới tầm quan hệ quốc tế, chưa có chiến lược lâu dài, bài bản. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) yếu, sản phẩm xuất khẩu đơn điệu, nghèo nàn, chủ yếu là xuất khẩu thô, giá trị gia tăng thấp.

2.5. Việc xây dựng, quảng bá hình ảnh Nghệ An là tỉnh năng động, có nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư, địa điểm hấp dẫn du lịch còn nhiều bất cập. Trong quảng bá về hình ảnh Nghệ An cũng như hình ảnh về sản phẩm, thương hiệu chưa tạo được sự khác biệt, chưa có tầm chiến lược lâu dài để người nước ngoài, các tổ chức nước ngoài quan tâm, chú ý.

3. Nguyên nhân

3.1. Nhận thức về vai trò, vị thế và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một bộ phận cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành chưa đầy đủ.

3.2. Chức năng, nhiệm vụ về công tác đối ngoại chưa tập trung vào một cơ quan đầu mối. Cơ chế trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện hoạt động đối ngoại giữa các cơ quan liên quan chưa hiệu quả, thiếu sự liên kết.

3.3. Hoạt động đối ngoại còn mang tính vụ việc, chưa xây dựng được chương trình tổng thể, dài hạn mang tính chiến lược.

3.4. Chưa có chính sách để thu hút nguồn nhân lực và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác đối ngoại.

3.5. Cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, du lịch, viễn thông...) còn hạn chế ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.

3.6. Ngân sách đầu tư cho công tác đối ngoại (xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ...) còn hạn chế.

PHẦN THỨ HAI

CHƯƠNG TRÌNH ĐỊNH HƯỚNG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI

TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

I. MỤC TIÊU

1. Tạo bước chuyển biến tích cực nhằm mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVII.

2. Làm căn cứ cho các cấp, các ngành và các đoàn thể xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

II. CÁC NHIỆM VỤ

1. Công tác đối ngoại chính trị.

1.1. Tăng cường gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc. Kết hợp giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế với ngoại giao văn hoá, lấy ngoại giao kinh tế làm mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm tạo ra nguồn lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

1.2. Tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước CHDCND Lào, đặc biệt là các tỉnh có chung đường biên giới; các tỉnh sử dụng đường 8 và đường 12 của 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan.

1.3. Trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và đôi bên cùng có lợi, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương của các quốc gia, vùng lãnh thổ, nhất là các đối tác quan trọng hàng đầu như: ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Australia... Xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn với các đối tác nêu trên trong các lĩnh vực hợp tác đầu tư, thương mại, giáo dục - đào tạo, dịch vụ, du lịch, khoa học công nghệ... nhằm tạo bước đột phá trong hoạt động đối ngoại.

1.4. Rà soát quan hệ hợp tác giữa Nghệ An với các địa phương nước ngoài đã thiết lập quan hệ chính thức và những địa phương đang xúc tiến thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác; xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể hàng năm, hướng đến triển khai các chương trình hợp tác thực chất, hiệu quả.

2. Kinh tế đối ngoại

2.1. Triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch "Triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước".

2.2. Tăng cường tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng từ ASEAN, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ, Australia... các công ty, tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ chất lượng cao, hạ tầng kỹ thuật, du lịch, thương mại,... để kêu gọi đầu tư. Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là địa bàn các tỉnh của nước CHDCND Lào.

2.3. Tích cực vận động nguồn vốn ODA nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh. Định kỳ hàng năm tổ chức gặp gỡ, làm việc với các cơ quan hợp tác quốc tế nước ngoài tại Việt Nam:

- Các tổ chức tài chính quốc tế đa phương như: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW)...

- Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Cơ Quan Viện trợ và Phát triển Quốc Tế Hoa Kỳ (USAID), Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia tại Việt Nam (AusAID), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ)...

- Các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc như: Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) để các tổ chức này thấy rõ nhu cầu hợp tác đầu tư của tỉnh nhằm vận động các nguồn vốn cho các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên.

2.4. Tiếp tục phát triển quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang tài trợ, đồng thời tranh thủ triển khai các dự án mới trên địa bàn tỉnh. Mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ khác có tiềm năng nhằm hướng sự hỗ trợ đến các xã nghèo ở các huyện miền Tây và các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên như: ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng y tế dự phòng cho cộng đồng, phát triển giao thông nông thôn; khắc phục hậu quả thiên tai bão lũ; xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội; chương trình hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn...

2.5. Sửa đổi, bổ sung danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi FDI; danh mục vận động nguồn vốn ODA và viện trợ NGO. Xây dựng lộ trình thu hút đầu tư đối với một số địa bàn trọng điểm như: Thành phố Vinh- Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An gắn với vùng Nam Nghệ - Bắc Hà, Hoàng Mai, Đồng Hồi gắn với quy hoạch phát triển vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, Tân Kỳ, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Thái Hoà, Quỳ Hợp gắn với miền Tây Nghệ An.

2.6. Xây dựng một số thương hiệu hàng hoá chủ đạo của tỉnh. Xúc tiến, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ; hình thành các loại hình du lịch hấp dẫn để thu hút du khách; hợp tác khai thác về dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục, đào tạo nghề phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

2.7. Xây dựng Trung tâm thương mại tại khu vực cửa khẩu quốc gia Thanh Thủy tạo điều kiện mở rộng thông thương giữa ba nước: Việt Nam - Lào - Thái Lan.

3. Văn hoá đối ngoại

3.1. Xây dựng và triển khai thực hiện "Kế hoạch công tác ngoại giao văn hóa tỉnh Nghệ An giai đoạn 2013 - 2015".

3.2. Tổ chức các hoạt động phục vụ lộ trình vận động để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận dân ca ví dặm Xứ Nghệ là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

3.3. Phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam tổ chức các hoạt động văn hoá như: Tuần Văn hoá, Lễ hội văn hoá ẩm thực... nhân dịp kỷ niệm các sự kiện trọng đại giữa Việt Nam với các nước.

4. Thông tin đối ngoại

4.1. Triển khai thực hiện Kế hoạch "Công tác Thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2015" của tỉnh.

Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 15
  • Hôm nay: 131
  • Trong tuần: 3 266
  • Tất cả: 256160