EU khẳng định sẽ tìm cách tăng cường hiện diện hải quân ở Biển Đông
Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ mong muốn tăng cường các chuyến thăm hải quân và có thể tham gia những cuộc tập trận chung để thúc đẩy tự do hàng hải và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
|
EU sẽ cố gắng khuyến khích và phối hợp các quốc gia thành viên tiếp tục các chuyến thăm hải quân ở Biển Đông, thậm chí là các cuộc tập trận chung nếu có thể. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 15/3, trả lời phỏng vấn tại Manila, Đặc phái viên của EU về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Richard Tibbels cho biết, khối 27 quốc gia này sẵn sàng cung cấp dịch vụ giám sát vệ tinh để giúp các quốc gia như Philippines ứng phó với thiên tai và bảo vệ lợi ích của họ ở Biển Đông.
Cách tiếp cận như trên là một phần trong chiến lược của EU, được công bố vào năm 2021, tập trung các hành động của khối tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đóng góp cho an ninh khu vực, giữa lúc cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt.
Theo ông Tibbels, sự can dự lâu dài sẽ dựa trên các giá trị chung, trong đó có cam kết tôn trọng dân chủ, nhân quyền và pháp quyền.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi thực sự rất quan tâm đến việc đảm bảo duy trì tự do hàng hải và hàng không và hệ thống thương mại toàn cầu không bị ảnh hưởng do căng thẳng gia tăng trong khu vực”.
Khi được hỏi khối 27 quốc gia châu Âu đã sẵn sàng thực hiện những bước đi nào để giúp duy trì quyền tự do đi lại và luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, tại Biển Đông, nhà ngoại giao trả lời: "Chúng tôi sẽ tìm cách tăng cường sự hiện diện hải quân của mình".
Bên cạnh đó, EU "sẽ cố gắng khuyến khích và phối hợp các quốc gia thành viên tiếp tục các chuyến thăm hải quân như vậy, thậm chí là các cuộc tập trận chung nếu có thể”.
Theo Đặc phái viên Tibbels, việc triển khai như vậy sẽ “tương đối khiêm tốn” nhưng có thể được thực hiện thường xuyên, xét theo khả năng của các quốc gia thành viên trong khối.
Ngoài ra, quan chức EU cũng nhắc lại việc khối này ủng hộ nỗ lực của ASEAN đàm phán “một bộ quy tắc ứng xử có thể chấp nhận được” với Trung Quốc để ngăn ngừa tranh chấp lãnh thổ âm ỉ từ lâu leo thang thành đối đầu vũ trang.
Khoảng 40% thương mại nước ngoài của EU đi qua Biển Đông. Một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã triển khai tàu chiến trong khu vực này những năm gần đây.
Theo: Báo TGVN