image banner
Giải đáp một số vấn đề liên quan quyền sở hữu nhà đất ở VN (phần 2)

Vụ việc một bộ phận giáo dân thuộc giáo xứ Mỹ Yên xã Nghi Phương huyện Nghi Lộc bị đối tượng quá khích kích động, có hành vi vi phạm pháp luật, mà đỉnh điểm là chiều ngày 4 tháng 9 năm 2013 đã tạm thời lắng xuống. Thế nhưng, dư luận nhân dân trong huyện Nghi Lộc hãy còn bức xúc với những gì mà nhóm người này gây ra.


Về Nghi Phương, tiếp xúc với nhiều người dân, sự bức xúc này còn cao hơn nhiều. Bởi chính họ là những người trực tiếp chứng kiến việc nhóm người quá khích kích động bà con giáo dân ở địa phương vi phạm pháp luật có hệ thống trong thời gian qua. Thế mà một số trang web phản động lại đăng tải thông tin phản ánh theo chiều hướng “đổi trắng thay đen”, vu cáo chính quyền các cấp bắt người trái phép. Mong muốn của người dân Nghi Phương lúc này là vụ việc Giáo xứ Mỹ Yên cần được thông tin khách quan, chính xác để mọi người không mắc mưu kẻ xấu, gây chia rẽ đoàn kết giáo lương. Vậy để mọi người dân lương cũng như giáo thấu rõ bản chất sự việc, chúng tôi xin được cung cấp một số thông tin về vụ việc gây rối trật tự công cộng ở xã Nghi Phương vừa qua.


Đã hai tháng rưỡi trôi qua, thế mà giờ đây chị Hoàng Thị Nhung (vợ anh Đậu Văn Sơn - xã đội trưởng xã Nghi Phương) ở xóm 10 xã Nghi Phương vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng sợ khi nhớ lại việc một nhóm người vô cớ đến cắt điện, đập phá, đốt cháy tài sản nhà chị trong đêm khuya. Đó là đêm 22 tháng 5 năm 2013. Hậu quả là nhiều tài sản nhà chị bị nhóm người này phá hỏng, thiệt hại trị giá hàng trăm triệu đồng. Không những thế, suốt thời gian qua, vợ chồng chị Nhung luôn bị kẻ xấu đe dọa, kể cả việc đe dọa bắt ba mẹ con chị. Quá hoảng sợ, vợ chồng chị phải rời bỏ nhà mình để tá túc tại nhà mẹ đẻ ở xã bên. Nhóm người đập phá cho rằng gia đình chị Nhung, anh Sơn đã che dấu một số người trong nhà, mà cũng theo họ, số người này đã cản trở việc hành lễ của giáo dân xứ Mỹ Yên. Trước khi đập phá nhà anh Sơn, chị Nhung thì nhóm đối tượng quá khích đã hô hoán, kích động đám đông bao vây, dùng gậy gộc đánh đập một cách vô cớ, gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật đối với ba người mà họ cũng cho là đã cản trở việc hành lễ của giáo dân. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã quyết định khởi tố vụ án hình sự với 4 tội danh “gây rối trật tự công cộng”, “hủy hoại tài sản công dân”, “bắt giữ người trái pháp luật” và “cố ý gây thương tích”. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã tiến hành điều tra, xác định hai đối tượng: Ngô Văn Khởi, sinh năm 1960, trú quán tại xóm 14 và Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1970, trú quán tại xóm 12 cùng xã Nghi Phương là kẻ cầm đầu, bị khởi tố về tội “gây rối trật tự công cộng” quy định tại Điều 245 của Bộ luật Hình sự. Ngày 27/6/2013, cơ quan Cảnh sát điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam 2 bị can Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải để phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật. Khi bắt giữ các bị can, cơ quan chức năng đã tiến hành đúng theo quy định của Điều 80, Luật Tố tụng hình sự về “bắt bị can, bị cáo để tạm giam”, như “có lệnh bắt bị can của thủ trưởng cơ quan điều tra”, “khi tiến hành bắt người tại nơi khác có sự chứng kiến của đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn nơi tiến hành bắt người”…


Sau khi bị bắt, các đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải cũng đã đã thừa nhận những hành vi vi phạm pháp luật của mình. Nguyễn Văn Hải đã nói: “Em nhận thức được hành vi vi phạm của em là hành vi hoàn toàn sai trái pháp luật. Xin pháp luật khoan hồng, giảm bớt. Em muốn nhắn đến gia đình vợ con là con cái đứa mô đi học thì cố gắng lo lòng mà học còn đứa mô không đi học nữa thì ở nhà cố gắng lo làm giúp đỡ cha mẹ. Cố gắng đừng làm những việc sai trái giống như bố để ảnh hưởng đến pháp luật”. Còn Ngô Văn Khởi thì nhắn nhủ “Tôi cũng nhắn nhủ với vợ con đừng có gây rối. Đừng gây áp lực với chính quyền. Không nghe lời xúi dục”…


Tuy nhiên, một số trang web trong và ngoài nước đã cố tình đăng tải những thông tin sai lệch. Một số người quá khích, vô tình do thiếu thông tin hay cố ý bịa đặt, vu khống cho rằng cơ quan chức năng đã bắt giữ người oan. Một số linh mục thuộc Văn phòng Toà Giám mục Xã Đoài – Giáo phận Vinh, người nhà của các đối tượng trên cùng một số phần tử giáo dân quá khích liên tục có những văn thư, hành động nhằm tạo sức ép, yêu cầu chính quyền phải thả người. Trên địa bàn Giáo xứ Mỹ Yên (xã Nghi Phương), giáo xứ Bình Thuận và Giáo xứ Nhân Hòa (xã Nghi Thuận) đã diễn ra một số hoạt động tôn giáo như tổ chức lễ “hiệp thông cầu nguyện” cho hai đối tượng đã bị bắt nói trên. Tình hình trở nên căng thẳng kể từ sau ngày 26/8/2013, khi Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp từ nước ngoài trở về.


Đỉnh điểm là vào 8 giờ 30 phút sáng 3/9/2013, có khoảng trên 400 giáo dân, chủ yếu là phụ nữ đã kéo lên trụ sở UBND xã Nghi Phương đe dọa, phong tỏa trụ sở làm việc và giam giữ trái pháp luật 6 cán bộ bao gồm: Phó Chủ tịch UBND huyện, Bí thư và Phó Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện cùng Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Nghi Phương ngay trong phòng làm việc của Chủ tịch UBND xã. Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, số lượng giáo dân kéo về trụ sở UBND xã mỗi lúc mỗi đông, ước tính có trên 500 người, mang theo nhiều khẩu hiệu để tiếp tục gây áp lực với cán bộ chính quyền huyện và xã đòi thả các đối tượng đã bị bắt giữ. Trong thời gian giam giữ người trái pháp luật, các đối tượng quá khích đã không ngừng chửi bới, lăng mạ, xé rách áo, thậm chí đã dùng tay tát vào mặt các cán bộ chính quyền. Một số giáo dân đã uy hiếp, dùng vũ lực buộc Chủ tịch UBND xã phải viết giấy cam kết, ký tên, đóng dấu đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh thả 2 đối tượng vi phạm pháp luật đã bị bắt giữ nói trên vào lúc 16 giờ ngày 4/9. Các đối tượng này còn buộc đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phải ký xác nhận vào giấy cam kết. Sau khi thỏa mãn yêu cầu, đến 18h 15 phút ngày 3/9 các đối tượng quá khích mới chịu giải tán. Lúc này các cán bộ huyện và xã mới ra về. Cần phải nói thêm rằng: theo quy định của pháp luật, UBND xã không có quyền hạn bắt người và giam giữ người hay thả người. Và nữa, nếu không đồng tình, người dân có thể gửi khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền, tức cơ quan Tư pháp. Như vậy, việc nhiều giáo dân tập trung bao vây trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Nghi Phương yêu cầu thả người là vô lý và việc thả hai đối tượng gây rối trật tự công cộng bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh bắt ngày 27 tháng 6 không thể được chấp nhận.

Chiều ngày 04/9/2013, Đảng uỷ Nghi Phương họp mở rộng để bàn biện pháp giải quyết. Trong khi phiên họp đang diễn ra, hàng trăm giáo dân Giáo xứ Mỹ Yên đã kéo đến trước trụ sở UBND xã Nghi Phương la ó, gây rối làm gián đoạn cuộc họp quân dân chính mở rộng do chính quyền xã Nghi Phương tổ chức. Hơn thế nữa, những giáo dân này còn dùng đá, gậy gộc và nhiều loại hung khí được chuẩn bị từ trước tấn công các cán bộ và người dân có mặt ở trụ sở xã tại thời điểm này, khiến nhiều người bị thương nặng. Mặc dù các lực lượng bảo vệ và Công an đã không ngừng kêu gọi, thuyết phục những đối tượng quá khích và giáo dân bị kích động cần giữ bình tĩnh, thế nhưng, ngay chính cả lực lượng bảo vệ, công an cũng bị tấn công một cách quyết liệt, khiến sự việc càng lúc càng diễn biến theo chiều hướng phức tạp hơn và hỗn loạn. Chưa dừng lại ở đó, những hồi kẻng “báo động” liên tục được gióng lên như một “tín hiệu” tập hợp đã được thống nhất từ trước. Ngay sau đó, số lượng giáo dân đổ về đoạn Tỉnh lộ 534 ngay trước trụ sở UBND xã Nghi Phương tăng lên mỗi lúc mỗi đông, theo cấp số nhân. Đám đông này không ngừng la ó, gây ồn ào náo loạn, mất trật tự, cản trở giao thông tuyến Tỉnh lộ 534 đoạn qua địa bàn xã Nghi Phương và hình thành nên vòng vây uy hiếp cán bộ và người dân đang có mặt trong trụ sở UBND xã Nghi Phương. Các loại đá lớn, nhỏ tiếp tục được ném vào như mưa khiến nhiều người vỡ đầu lõa máu, nằm, ngồi ngổn ngang khắp khuôn viên UBND xã. Các giáo dân chỉ dừng gây rối trật tự, trấn áp, tấn công bằng đá, gậy gộc khi Linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Quý - quản xứ Xuân Mỹ được Tân Giám mục phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên ủy quyền lên gặp gỡ, trao đổi với bà con giáo dân. Linh mục Phêrô Nguyễn Xuân Quý đã nói với các giáo dân đang có mặt tại hiện trường: “Gây hỗn loạn như vậy là vi phạm pháp luật, làm mất mối đoàn kết lương – giáo. Các giáo dân cần bình tĩnh ra về, không tụ tập đông người trên đường, gây cản trở an toàn giao thông”. Sau đó linh mục Nguyễn Văn Quý đã trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương, lực lượng bảo vệ và thông báo: Bà con giáo dân sẽ ra về.... Như vậy, sự xuất hiện của Linh mục Nguyễn Xuân Quý mới giải tán được được đám đông quá khích, trả lại trật tự cho khuôn viên trụ sở UBND xã Nghi Phương và giao thông thông suốt trên tuyến Tỉnh lộ 534 đoạn đi qua địa bàn xã.

Vụ việc chiều ngày 4 tháng 9 cũng như các vụ việc tương tự xảy ra trước đó đã làm mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn; gây đình trệ, ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh; xâm phạm, tổn hại nghiêm trọng về người và tài sản cá nhân, tập thể...

Cũng cần phải thấy rõ, trong suốt thời gian diễn ra các vụ việc vi phạm pháp luật của một số giáo dân quá khích và bị kích động tại trụ sở UBND xã vào các ngày 30/8, ngày 3/9 và ngày 4/9 năm 2013, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An, huyện Nghi Lộc đã nỗ lực, bằng nhiều cách như chuyển văn thư mời Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp tới trụ sở UBND tỉnh để bàn bạc, thống nhất giải quyết sự việc; cử đoàn cán bộ đến tận Tòa Giám mục Giáo phận Vinh nhưng Giám mục Nguyễn Thái Hợp đã thể hiện thái độ bất hợp tác với chính quyền, không làm tròn bổn phận của đấng bề trên đối với những con chiên.


Xứ đạo Mỹ Yên đã trải qua những ngày không bình yên. Đông đảo người dân Nghi Phương hết sức bất bình trước những việc gây rối trật tự công cộng của nhóm người quá khích với sự làm theo của bộ phận không nhỏ giáo dân do thiếu hiểu biết pháp luật ở xứ đạo Mỹ Yên. Mọi người mong muốn bà con giáo dân tỉnh táo, không bị kích động, xúi dục để rồi làm những việc vi phạm pháp luật, chia rẽ đoàn kết lương – giáo, chia rẽ Chính quyền nhà nước Việt Nam với Giáo hội. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà mọi người dân không kể Lương hay Giáo phải hết sức tỉnh táo, đoàn kết chặt chặt chẽ, chấp hành pháp luật, thi đua sản xuất, nâng cao đời sống xây dựng quê hương giàu mạnh. Hy vọng bình yên sẽ sớm trở lại. Bà con giáo, lương đoàn kết đồng lòng, chung sức xây dựng nông thôn mới. Sẽ có một xứ đạo đẹp tươi, bình yên như tên gọi của mình: xứ đạo Mỹ Yên.

Nhóm PV Đài TT-TH Nghi Lộc


Thông tin chuyên đề
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1